Gia đình luôn là cái nôi của mọi người, là nơi mà mọi người luôn muốn quay về khi mệt mỏi hay yếu đuối nhất. Nhưng không phải gia đình nào cũng được đầm ấm, cũng khiến người ta muốn trở về, có rất nhiều gia đình mà khi nhắc đến người ta lại sợ hãi và ám ảnh tột độ bởi những hành vi bạo lực mà họ phải đón nhận. Bạo lực gia đình, hành vi đáng lên án của những con người thiếu lương tâm.
Tháng 7 năm 2008, Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 chính thức có hiệu lực, theo đó, các hành vi bạo lực gia đình cũng được quy định cụ thể tại điều 2 của Luật này như sau:
"Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;
e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
2. Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng."
Theo đó, việc xử lý vi phạm đối với những hành vi trên được quy định tại Chương 5 của Luật này và được hướng dẫn bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP năm 2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Tại Điều 52 của Nghị định này quy đinh: "phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 1.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với người có hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý".
Nếu việc gây áp lực thường xuyên về tâm lý kéo dài, có thể sẽ khiến cho nạn nhân bị tổn thương tâm lý dẫn đến việc họ không thể làm chủ được hành vi của mình. Đơn giản là, nếu họ có hành vi bạo lực với người khác, hoặc giết người thì người gây ra các trở ngại tâm lý cho họ sẽ ra sao? Việc xử phạt như vậy là có quá nhẹ không? Hay hành vi bạo hành đó khiến nạn nhân tự sát, thì việc xin lỗi công khai có còn cần thiết không?