Với lịch trình bận rộn như hiện nay, thì việc ăn uống cũng được mọi người cân nhắc lựa chọn kĩ càng để tiết kiệm thời gian nhưng cũng đầy đủ dinh dưỡng. Hầu hết các bạn học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng hay những gia đình bận rộn đều chọn cho mình những cửa hàng tiện lợi hay các quán thức ăn nhanh vừa thuận tiện vừa nhiều sự lựa chọn.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn luôn lo lắng về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của những cửa hàng này. Vậy pháp luật có quy định gì về điều kiện an toàn thực phẩm đối với những cửa hàng thức ăn nhanh?
Cửa hàng thức ăn nhanh có phải xin cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm không?
Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010 thì "An toàn thực phẩm" là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP có quy định về các Cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì cơ sở “kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ” là cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ được hướng dẫn bởi khoản 1 Công văn 3109/BCT-KHCN năm 2018 như sau:
"1. Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Doanh nghiệp khái niệm “kinh doanh” được hiểu “là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi”. Do đó, sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ là một công đoạn trong hoạt động kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ."
Từ các quy định tại khoản 10 Điều 3, khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì cửa hàng bán đồ ăn nhanh thuộc loại hình kinh doanh nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cửa hàng thức ăn nhanh cần tuân thủ những điều kiện gì?
Cửa hàng bán đồ ăn nhanh phải tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật An toàn thực phẩm 2010 cụ thể như sau:
- Có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;
- Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Có trang thiết bị phù hợp để sản xuất, kinh doanh thực phẩm không gây độc hại, gây ô nhiễm cho thực phẩm;
- Sử dụng nguyên liệu, hóa chất, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm trong sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm;
- Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
- Thu gom, xử lý chất thải theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
- Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán bảo đảm truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.
Ngoài ra, tại Điều 22 Luật An toàn thực phẩm 2010 còn quy định Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định cụ thể về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương, quy định cụ thể điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đối với thực phẩm đặc thù trên địa bàn tỉnh.
Chế tài đối với cửa hàng thức ăn nhanh vi phạm quy định về bảo quản thực phẩm là gì?
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 115/2018/NĐ-CP, vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến không bao gói sẵn và bao gói sẵn đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cụ thể:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bị hỏng, mốc, bụi bẩn hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm khác;
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Nơi kinh doanh, bày bán, bảo quản thực phẩm bị côn trùng, động vật gây hại xâm nhập;
- Vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong bảo quản thực phẩm;
- Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Ngoài xử phạt, hành vi trên còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế thực phẩm hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định 115/2018/NĐ-CP.
Lưu ý: Mức phạt tiền này là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.