Xử lý, trám lấp giếng khoan thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước dưới dất

Chủ đề   RSS   
  • #605153 31/08/2023

    haohao2912
    Top 500
    Female
    Lớp 2

    Khánh Hoà, Việt Nam
    Tham gia:11/07/2018
    Tổng số bài viết (329)
    Số điểm: 3103
    Cảm ơn: 0
    Được cảm ơn 37 lần


    Xử lý, trám lấp giếng khoan thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước dưới dất

    Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước dưới đất? Yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp giếng khoan không sử dụng.

    1. Xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước dưới đất

    Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 72/2017/TT-BTNMT quy định về việc xử lý, trám lấp giếng khai thác nước dưới đất thuộc trường hợp phải xin phép khai thác, sử dụng nước dưới đất như sau:

    - Sau khi có quyết định thu hồi, điều chỉnh giấy phép, xử lý vi phạm hành chính mà trong đó có áp dụng biện pháp phải trám lấp giếng hoặc có văn bản thông báo chấm dứt hiệu lực giấy phép đối với trường hợp trả lại giấy phép hoặc văn bản thông báo không đủ điều kiện để được cấp, gia hạn giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ giếng phải lập phương án trám lấp giếng theo quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 72/2017/TT-BTNMT.

    Trong thời hạn chín mươi (90) ngày kể từ ngày có quyết định hoặc văn bản thông báo, chủ giếng phải hoàn thành việc trám lấp giếng. Trường hợp trong các quyết định hoặc văn bản thông báo có quy định cụ thể về thời hạn hoàn thành việc trám lấp thì thực hiện theo các quyết định, văn bản thông báo này.

    - Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định hoặc văn bản theo quy định trên, chủ giếng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về thời gian, địa điểm thực hiện việc thi công trám lấp giếng tới Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Tài nguyên và Môi trường) để theo dõi, kiểm tra (nếu cần).

    - Trong thời hạn không quá mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc thi công trám lấp giếng không sử dụng, chủ giếng có trách nhiệm báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả thi công trám lấp giếng.

    Nội dung chính của báo cáo kết quả thi công trám lấp giếng, gồm: các thông tin chung về giếng phải trám lấp; nội dung, khối lượng đã thực hiện trong quá trình thi công trám lấp; đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật trong việc trám lấp giếng theo quy định; những vấn đề phát sinh trong quá trình trám lấp giếng (nếu có).

    2. Yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp giếng khoan không sử dụng

    Căn cứ tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 72/2017/TT-BTNMT quy định về việc yêu cầu kỹ thuật thi công trám lấp giếng khoan không sử dụng thuộc trường hợp như sau:

    - Vật liệu trám lấp phải có tính thấm nước kém hoặc không thấm nước, gồm hỗn hợp vữa hoặc vật liệu dạng viên như sau:

    Hỗn hợp vữa, gồm: vữa xi măng; vữa xi măng trộn với sét tự nhiên hoặc bentonit; vữa bentonit, sét tự nhiên; vữa được trộn bằng các vật liệu khác có tính chất đông kết, trương nở tương đương với sét tự nhiên;

    Vật liệu dạng viên, gồm: sét tự nhiên dạng viên; vật liệu dạng viên khác có tính chất thấm nước, trương nở tương đương với sét tự nhiên. Vật liệu dạng viên phải bảo đảm có dạng hình cầu và kích thước không lớn hơn 0,25 lần đường kính nhỏ nhất của giếng khoan hoặc đường kính trong của đoạn ống nhỏ nhất.

    - Chuẩn bị trám lấp giếng:

    Căn cứ điều kiện cụ thể từng giếng khoan, lựa chọn vật liệu trám lấp và biện pháp thi công, công nghệ, thiết bị trám lấp phù hợp;

    Kiểm tra, đánh giá hiện trạng của giếng khoan; đo chiều sâu, đường kính, xác định đường kính nhỏ nhất và đánh giá mức độ thông thoáng của giếng khoan;

    Kiểm tra, đánh giá khả năng rút, nhổ cột ống giếng. Trường hợp rút, nhổ được cột ống giếng thì chuẩn bị thiết bị, dụng cụ phù hợp để bảo đảm việc trám lấp được thực hiện đồng thời với quá trình rút, nhổ cột ống giếng;

    Chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm quá trình trám lấp giếng được thực hiện liên tục, không gián đoạn.

    - Thi công trám lấp giếng:

    Việc thi công trám lấp phải bảo đảm giếng khoan được lấp đầy bằng các vật liệu trám lấp ở trạng thái đông kết; thực hiện trám lấp theo từng đoạn, từ dưới lên trên, bắt đầu từ đáy giếng; ít nhất 10m trên cùng của giếng phải được trám lấp bằng hỗn hợp vữa; miệng giếng phải được đổ bê tông với kích thước không nhỏ hơn 0,3m kể từ miệng giếng khoan;

    Trường hợp sử dụng hỗn hợp vữa dạng lỏng phải bảo đảm vữa được dẫn qua ống tới độ sâu của từng đoạn trám lấp bằng dụng cụ, thiết bị phù hợp, không đổ vữa trực tiếp qua miệng giếng; chiều dài mỗi đoạn trám lấp tuỳ thuộc điều kiện của từng giếng khoan và khả năng thực tế của thiết bị trám lấp;

    Trường hợp sử dụng vật liệu dạng viên phải bảo đảm không tạo thành "nút" ở trong giếng; vật liệu được đổ từ từ, khối lượng phù hợp với thể tích của từng đoạn; kết thúc mỗi đoạn trám lấp phải đầm, nén vật liệu bằng dụng cụ, thiết bị phù hợp; chiều dài mỗi đoạn trám lấp không quá 10m;

    Trường hợp rút, nhổ được cột ống giếng, thì phải rút, nhổ cột ống đó trong quá trình trám lấp. Việc rút, nhổ cột ống phải thực hiện theo từng đoạn, phù hợp với chiều dài mỗi đoạn trám lấp, chân của cột ống giếng luôn nằm trong lớp vật liệu trám lấp và bảo đảm đất đá không sập lở vào giếng trước khi vật liệu lấp đầy đoạn giếng khoan.

     
    257 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận