Ngày 17/9/2024, Thủ tướng đã thông qua Chỉ thị 35/CT-TTg về về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sỹ trong lực lượng vũ trang vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm.
Tại Chỉ thị 35/CT-TTg, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ trích một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang (gọi chung là CBCCVC) vì thiếu gương mẫu và vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông. Nhiều người đã có hành vi không chuẩn mực, không tuân thủ việc kiểm tra và xử lý của lực lượng chức năng, đặc biệt là trong các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Cá biệt có một số trường hợp đã gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người, bỏ trốn khỏi hiện trường, chống đối và không hợp tác với cơ quan chức năng, gây bức xúc trong Nhân dân.
Thủ tướng nhận định rằng nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu xuất phát từ một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng và rèn luyện bản thân, chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang chưa chú trọng trong việc quán triệt và thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Vẫn có tình trạng buông lỏng kỷ luật, thiếu trách nhiệm trong quản lý cán bộ, bao che và không xử lý kỷ luật nghiêm túc những trường hợp vi phạm để chấn chỉnh và nhắc nhở chung trong cơ quan, đơn vị.
Đứng trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
(1) Xử lý kỷ luật CBCCVC, chiến sỹ lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các việc sau:
- Phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội.
- Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, cơ quan quản lý cán bộ căn cứ quy định của pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và quy định riêng của cơ quan, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý nghiêm theo quy định; việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và định kỳ hàng năm (trước ngày 15/10) trao đổi kết quả xử lý kỷ luật với cơ quan gửi thông báo vi phạm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều người vi phạm nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của lực lượng thực thi công vụ hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý.
- Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 35/CT-TTg; quán triệt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm theo đúng quy định.
(2) Thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý khi CBCCVC vi phạm nồng độ cồn
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm.
Bên cạnh đó phải xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ không xử lý triệt để, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về giao thông.
Ngoài ra, trong quá trình xử lý phải tiến hành xác minh, nếu người vi phạm là CBCCVC vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm phải được thông báo về cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ để xem xét, xử lý theo đúng quy định.
Đối với các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn gây tai nạn giao thông, có hành vi chống đối, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động thực thi nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, phải khẩn trương củng cố hồ sơ, điều tra, phối hợp với các cơ quan Viện kiểm sát, Tòa án xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
(3) Không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần ban hành văn bản cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trong Chỉ thị 35/CT-TTg, phù hợp với tình hình và yêu cầu của địa phương, tập trung vào các điểm sau:
- Chỉ đạo các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tăng cường tuyên truyền về chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nhấn mạnh trách nhiệm và yêu cầu về việc tiên phong, gương mẫu trong chấp hành pháp luật giao thông. Đồng thời, vận động bạn bè, người thân chấp hành quy định và không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát, bao gồm cả giám sát từ Nhân dân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong tham gia giao thông của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang.
Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân, đoàn viên, hội viên tích cực, tự giác và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cần xử lý kỷ luật nghiêm đối với cán bộ, đoàn viên, hội viên vi phạm nồng độ cồn và không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm; đồng thời, tăng cường giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân đối với việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông.
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các Viện kiểm sát và Tòa án cấp dưới phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn gây tai nạn nghiêm trọng hoặc có hành vi chống đối, gây rối trật tự công cộng, cản trở hoạt động của các lực lượng chức năng.
Đề nghị các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng phát huy vai trò giám sát, tích cực tham gia phát hiện và phê phán hành vi vi phạm pháp luật giao thông của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn.
Xem thêm chi tiết tại Chỉ thị 35/CT-TTg ngày 17/9/2024.