Chắc chắn rằng ai trong chúng ta cũng từng đi đến các cơ quan nhà nước để làm một số thủ tục hành chính như: đăng ký hộ khẩu, đăng ký kinh doanh, chứng nhận giấy tờ, làm sổ sách, làm giấy CMND, khám sức khỏe ở bệnh viện công... Và nhiều nơi trong số đó, ta sẽ bắt gặp, tiếp xúc trực tiếp với những cán bộ, công chức có lối ứng xử, hành động "khô khan", thiếu thân thiện; nặng hơn nữa thì có thể nói là khó chấp nhận. Điều tôi muốn nói không phải là hạch sách, kiếm chuyện để "đòi hỏi", hoạnh họe với dân mà là tỏ thái độ khó chịu, thiếu khiêm nhường.
Đi làm hồ sơ, giấy tờ có bị nhăn xíu (do quá trình cầm, nắm) thì y như rằng mặt chị cán bộ nhăn còn hơn tờ giấy. Đi khám sức khỏe, mỗi việc phát số thứ tự cho người bệnh thôi cũng y như lúc còn đi học cô giáo trả bài kiểm tra bị điểm kém. Mọi người chắc ai cũng tự hỏi: "Ủa, mình có làm gì phật lòng họ đâu mà coi mình còn thua cả con ghẻ" .
Nguyên nhân chính là sự ảo tưởng quyền lực.Họ hay bị nhầm lẫn rằng mình là người có quyền lực, ban phát quyền lực. Trong khi thực tế, họ đang thực hiện quyền lực của nhà nước, chính họ đang phục vụ nhân dân. Dù rằng việc tiếp dân, xử lý giấy tờ có áp lực, có stress đi chăng nữa; không giữ được thần thái nhẹ nhàng thì cũng không nên nhăn đôi lông mày như vậy, trông thật khó coi. Thái độ đấy đôi khi còn hơn cả từ chảnh!!!
Một điều sai lầm của chúng ta là khi đi đến cơ quan nhà nước làm thủ tục hành chính hay có tâm lý sợ sệt, phụ thuộc. Chính nét mặt như cầu cứu, van lơn của chúng ta củng cố thêm phần nào sự ảo tưởng của các "vị" ấy. Thế là họ lại càng được nước tự sướng với cảm giác làm ông to, bà lớn.
Xét về khía cạnh của pháp luật, Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức đề cập các hành vi bị xử lý kỷ luật tại Điều 3 trong đó có : vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ... Rõ ràng quy định này quá chung chung, mơ hồ. Một anh cán bộ khi làm thủ tục mà không chào dân, một chị công chức nhận hồ sơ của dân mà nhăn mặt như Tào Tháo rượt cũng sẽ chẳng bị khiển trách, hay nhắc nhở gì.
Nếu cán bộ nào, công chức nào cũng thế thì chẳng ai muốn đến cơ quan hành chính nữa. Nói đi cũng phải nói lại, nhiều cán bộ vẫn trong sạch, gần dân đúng nghĩa. Không đâu xa, trong thành phần các anh chiến sĩ CAGT mà chúng ta vẫn hay cầu trời khấn phật đừng bao giờ gặp mặt cũng có anh dễ thương, anh dễ cáu.
Ý tôi không phải ai phạt mình là dễ cáu, ai không phạt là dễ thương. Hẳn các bạn còn nhớ câu chuyện anh cảnh sát giao thông phạt cậu thanh niên vi phạm phải mua kẹo cao su giúp bà cụ ở Đà Nẵng, hay đội công an phân luồng giao thông mua cơm trưa cho thí sinh ở xa trong kỳ thi tuyển sinh cách đây không lâu...
Pháp luật chẳng thể quy định hay sửa đổi làm sao để cán bộ nào cũng là nô bộc, là đầy tớ để phục vụ tốt nhất cho dân. Điều này phải xuất phát từ chính cái tâm, thay đổi trong chính suy nghĩ của họ mà thôi. Và tất nhiên, điều đó sẽ xảy ra khi phép màu không chỉ có trong chuyện cổ tích...