Bài viết này của mình đăng trên Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 21/2012 ra tháng 11/2012. Để tải hardcopy, các bạn có thể bấm vào đây.
***
Ngày 12/4 vừa qua, chủ nhiệm Đoàn luật sư thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số88/QĐ-ĐLS xóa tên 16 luật sư là thành viên của mình ra khỏi danh sách luật sư thành viên của Đoàn vì đã không nộp phí thành viên từ hai năm trở lên. Căn cứ Điều 18[1], Luật Luật sư, Quyết định này yêu cầu những người bị xóa tên phải nộp lại Chứng chỉ hành nghề và Thẻ luật sư cho nơi đã cấp. Điều cần bàn ở đây là những hậu quả pháp lý của việc xóa tên luật sư chưa được Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn luật này giải quyết một cách triệt để, gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình, cũng như ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của những khách hàng đã giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý với những tổ chức hành nghề luật sư do (những) luật sư bị xóa tên thành lập.
1. Câu chuyện cũ lặp lại: Thông tư “cao hơn” luật
Theo Quyết định số88/QĐ-ĐLS và Thông báo số89/CV-ĐLS của Đoàn luật sư thành phố Hà Nội gửi sở Tư pháp, mọi văn bản, giấy tờ có liên quan đến việc hành nghề luật sư của những người bị xóa tên không còn giá trị pháp lý kể từ ngày ban hành quyết định. Thông báo này cũng đề nghị sở Tư pháp kiểm tra việc cấp Giấy đăng ký hành nghề luật sư của những người này để giải quyết theo thẩm quyền.
Vậy thẩm quyền của Sở Tư pháp trong trường hợp này như thế nào?
Theo khoản 2, Điều 47, Luật Luật sư quy định: “Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b (Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động) và điểm c (bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư) khoản 1, Điều 47, Luật Luật sư thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Đoàn luật sư, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề luật sư.”
Còn theo Điều 47.1.c, Luật Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động trong trường hợp trưởng văn phòng luật sư, giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tất cả các thành viên của công ty luật hợp danh, thành viên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Có nghĩa rằng, tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động kể từ ngày (những) luật sư thành lập tổ chức đó bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư; và sở Tư pháp chỉ có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan có liên quan như đoàn luật sư, cơ quan thuế… về việc thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư của (những) luật sư này mà thôi. Không một điều khoản nào trong Luật Luật sư quy định sở Tư pháp chịu trách nhiệm thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư bị chấm dứt hoạt động theo Điều 47.1.c, Luật Luật sư. Hiểu theo nghĩa ngược lại, sở Tư pháp không có quyền thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư đó vì không được luật cho phép thực hiện. Từ đó, sở Tư pháp trở nên đuối lý khi yêu cầu nộp lại Giấy đăng ký hoạt động hoặc tổ chức hành nghề luật sư có quyền từ chối nộp lại Giấy đăng ký hoạt động cho Sở này.
Theo đó, có thể nhận thấy, Luật Luật sư đang có sự đồng nhất giữa chấm dứt tư cách hành nghề của cá nhân và chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư. Trong hệ thống pháp luật hiện hành, tổ chức hành nghề luật sư hoạt động hợp pháp kể từ khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động (sở Tư pháp cấp), Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (cơ quan thuế cấp) và Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu (cơ quan công an cấp). Tổ chức này chỉ được xem là đã chính thức chấm dứt hoạt động khi được cơ quan thuế đồng ý đóng mã số thuế, hoàn trả con dấu cho cơ quan công an và cuối cùng là nộp lại Giấy đăng ký hoạt động cho sở Tư pháp.
Rõ ràng là việc chấm dứt tư cách hành nghề của cá nhân do bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư không thể tự bản thân nó làm chấm dứt hoạt động của một tổ chức. Ngay cả khi sở Tư pháp cho rằng, căn cứ theo Luật Luật sư, tổ chức hành nghề đó đương nhiên chấm dứt và bản thân Sở không thừa nhận sự tồn tại có tính pháp lý của tổ chức hành nghề luật sư thì các cơ quan nhà nước khác (thuế, công an…) vẫn mặc nhiên coi tổ chức đó đang tồn tại hợp pháp bởi vì tổ chức nay chưa thực hiện các thủ tục để các cơ quan có thẩm quyền chấp nhận việc chấm dứt hoạt động. Vì vậy, chiếu theo các quy định hiện hành của Luật Luật sư, sự chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư chỉ được xem là sự chấm dứt “trên lý thuyết” mà thôi.
Việc không thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư trong trường hợp này mang đến những hệ quả khó lường, các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được hoạt động của những tổ chức này trong thực tế, các doanh nghiệp, cá nhân vẫn có thể giao dịch với những tổ chức này để rồi các cơ quan chức năng sẽ phải đi giải quyết những hệ lụy của những giao dịch đó để lại…
Sau gần 5 năm kể từ ngày Luật Luật sư có hiệu lực thi hành, Bộ Tư pháp có lẽ cũng nhận ra vấn đề này nên đã đưa vào quy định tại Điều 11 của Thông tư số17/2011/TT-BTP ban hành ngày 14/10/2011. Theo đó, sở Tư pháp sẽ thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 47[2] của Luật Luật sư. Trong một chừng mực nhất định, thông tư này đã giải quyết tình huống pháp lý cho sở Tư pháp, trao quyền cho cơ quan này được thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư do (những) luật sư thành lập tổ chức đó bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư; nhưng cũng dễ nhận thấy rằng nội hàm của quy phạm pháp luật trong thông tư này đã vượt quá những quy định của Luật Luật sư. Luật không cho Sở có quyền thu hồi nhưng thông tư lại cho phép làm, tạo nên câu chuyện cũ, thông tư đưa ra những quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý “cao hơn” luật.
2. Và những hệ lụy tiếp theo…
Theo quy định hiện hành, khi bị chấm dứt hoạt động, tổ chức hành nghề luật sư phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với họ nhưng chưa thực hiện xong. Luật chỉ quy định phải thỏa thuận với khách hàng, còn việc các bên có thỏa thuận được với nhau hay không thì Luật không đề cập đến cũng như không quy định về trách nhiệm liên đới của (những) luật sư thành lập tổ chức đó sau khi chấm dứt hoạt động.
Sự thỏa thuận giữa các bên có thể dẫn đến những kết quả sau:
(i) Các bên đồng ý chấm dứt và thanh lý hợp đồng dịch vụ pháp lý; hoặc
(ii) Các bên đồng ý ký lại hợp đồng dịch vụ pháp lý với tổ chức hành nghề luật sư khác cùng với cam kết kế thừa các quyền và nghĩa vụ của hợp đồng đã ký; hoặc
(iii) Các bên xảy ra mâu thuẫn và không thể đi đến một thỏa thuận nào đó.
Thật hoàn hảo và không có gì phải bàn cãi nếu các bên có thể đi đến một thỏa thuận. Nhưng nếu các bên không đạt được thống nhất nào và xảy ra tranh chấp về quyền lợi thì hậu quả pháp lý của tranh chấp này dường như bị Luật Luật sư “bỏ ngỏ”. Lúc này, bên khách hàng, bằng con đường tố tụng, có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền lợi của họ được không? Xin thưa rằng là chưa chắc.
Nếu bên khách hàng khởi kiện ra tòa, tòa án thụ lý theo đúng thẩm quyền và thủ tục tố tụng, bên bị đơn thông báo với tòa về việc đã chấm dứt hoạt động theo quy định của Luật Luật sư thì tòa án, căn cứ Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2011, có thể ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì cơ quan, tổ chức đã bị giải thể mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó.
Hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp này là nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại, tiền tạm ứng phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước. Tức là, bên khách hàng mất quyền khởi kiện, mất luôn tiền tạm ứng án phí và quan trọng nhất là họ không có một cơ hội nào để yêu cầu pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.
Chính vì không có những quy định về sự kế thừa quyền và nghĩa vụ khi tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động đã xâm hại các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng của tổ chức đó và chưa có một cơ chế pháp lý nào bảo vệ quyền lợi bên khách hàng cho đến thời điểm hiện nay.
Ngoài ra, Luật Luật sư cũng không có các quy định cấm tổ chức hành nghề luật sư được thực hiện một số hành vi khi đã bị chấm dứt hoạt động, ví dụ như cất giấu, tẩu tán tài sản, ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện giải thể doanh nghiệp...
Không bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, không bị cấm thực hiện một số hành vi sau khi bị chấm dứt hoạt động và cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự khi bị khởi kiện ra tòa … là những “kẻ hở” pháp lý nghiêm trọng cần phải được sửa ngay lập tức trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư. Tuy nhiên, bốn lần sửa đổi dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn toàn không đề cập đến những vấn đề đã phân tích ở trên trong bất kỳ một bản dự thảo nào.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Không giống như Luật Luật sư, khi giải thể doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định[3] (i) thời gian giải thể đủ dài (sáu tháng) để hoàn tất các thủ tục hành chính về thuế (trong khi Luật Luật sư chỉ cho 60 ngày); (ii) trách nhiệm liên đới của các thành viên chủ sở hữu doanh nghiệp.
Nhằm đảm bảo sự thượng tôn pháp luật và những quyền và lợi ích hợp pháp của những khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư cũng như giải quyết được các vấn đề phân tích ở trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư như sau:
3.1. Bổ sung Điều 47* vào Luật Luật sư:
“Điều 47*. Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư
1. Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi khi tổ chức hành nghề luật sư thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật này;
b) Tổ chức hành nghề luật sư tạm ngừng hoạt động theo quy định tại Điều 46 của Luật này đã quá một năm so với thời hạn được ghi trong báo cáo về việc tạm ngừng hoạt động của tổ chức đó mà không có báo cáo về việc gia hạn tạm ngừng hoạt động.
Trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.
2. Giấy đăng ký hoạt động của chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này.
3. Khi thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động ra quyết định thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư hoặc chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư và gửi cho Đoàn luật sư, cơ quan thuế nơi đăng ký hoạt động.
4. Tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động phải giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động.”
3.2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 47, Luật Luật sư:
“3. Trong trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với Đoàn luật sư, cơ quan thuế ở địa phương nơi đăng ký hoạt động và nơi có trụ sở của chi nhánh về việc thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, Chứng chỉ hành nghề luật sư.
Trong thời hạn sáu mươi ngày sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, Chứng chỉ hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư phải nộp đủ số thuế còn nợ; thanh toán xong các khoản nợ khác; làm xong thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với luật sư, nhân viên của tổ chức hành nghề luật sư; đối với hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng nhưng chưa thực hiện xong thì phải thoả thuận với khách hàng về việc thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đó.
Sau thời hạn sáu tháng quy định tại khoản này mà Sở Tư pháp không nhận được hồ sơ giải thể tổ chức hành nghề luật sư thì tổ chức hành nghề luật sư đó coi như đã được giải thể và Sở Tư pháp xoá tên tổ chức hành nghề luật sư trong sổ đăng ký hoạt động. Trong trường hợp này, trưởng văn phòng luật sư, giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tất cả các thành viên của công ty luật hợp danh, thành viên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán và các nghĩa vụ phải thực hiện trong hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký với khách hàng.”
3.3. Bổ sung Điều 48* vào Luật Luật sư:
“Điều 48*. Các hành vi bị cấm kể từ khi chấm dứt hoạt động
Kể từ khi chấm dứt hoạt động theo khoản 1 Điều 47 của Luật này, nghiêm cấm tổ chức hành nghề luật sư, người quản lý tổ chức hành nghề luật sư thực hiện các hành vi sau đây:
1. Cất giấu, tẩu tán tài sản;
2. Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
3. Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức hành nghề luật sư;
4. Ký kết hợp đồng mới không phải là hợp đồng nhằm thực hiện giải thể tổ chức hành nghề luật sư;
5. Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;
6. Chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý đã có hiệu lực.”
[1] Điều 18. Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư: 1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư: d) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;
[2] Điều 47. Chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư
1. Tổ chức hành nghề luật sư chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:
a) Tự chấm dứt hoạt động;
b) Bị thu hồi Giấy đăng ký hoạt động;
c) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc tất cả các thành viên của công ty luật hợp danh, thành viên của công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư;
d) Công ty luật bị hợp nhất, bị sáp nhập;
đ) Trưởng văn phòng luật sư, Giám đốc công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên chết.
[3] Điều 158, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: Thủ tục giải thể doanh nghiệp
6. Trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thể trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trình tự và thủ tục giải thể được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Sau thời hạn sáu tháng quy định tại khoản này mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xoá tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp này, người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.
Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Bình An - Công ty luật VCA & Cộng sự
| Website: http://www.vcalaw.com
| Email: an@vcalaw.com
| Tư vấn hợp đồng, đầu tư, lao động (tiếng Anh - Việt)
| Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
| Tranh tụng tại tòa các vụ án kinh tế, lao động, hành chính, dâu sự
| Dịch vụ kế toán
| Dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp miễn phí
E1/4, khu phố 1, phường Thống Nhất, Biên Hòa, Đồng Nai