Xin trả lời câu hỏi như sau:
Theo quy định tại Điều 25 Luật Nuôi con nuôi năm 2010, việc nuôi con nuôi có thể bị chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Con nuôi đã thành niên và cha mẹ nuôi tự nguyện chấm dứt việc nuôi con nuôi;
- Con nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của cha mẹ nuôi; ngược đãi, hành hạ cha mẹ nuôi hoặc con nuôi có hành vi phá tán tài sản của cha mẹ nuôi;
- Cha mẹ nuôi bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con nuôi; ngược đãi, hành hạ con nuôi;
- Vi phạm một trong các quy định như: Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi; phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi; lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số; ông bà nhận cháu làm con nuôi, anh chị em nhận nhau làm con nuôi…
Như vậy, nếu vi phạm các điều nêu trên thì quan hệ nuôi con nuôi sẽ chấm dứt, khi đó, nếu con nuôi là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì Tòa án có thể giao lại con cho cha mẹ đẻ.
Ngoài ra, cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thể tự thoải thuận chấm dứt việc nuôi con nuôi: Tòa án sẽ chấp nhận dựa vào ý chí tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự và vì lợi ích chính đáng của con, mục đích là để con có một mái ấm gia đình, nơi có cha mẹ, một môi trường thân thiết và tự nhiên để đảm bảo trẻ em được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục,... với tư cách một thành viên trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ tự thỏa thuận với nhau vì lợi ích chính đáng của con nuôi thì được Tòa án chấp nhận.
Bên cạnh đó, cha mẹ nuôi và cha mẹ đẻ chỉ được thỏa thuận về chấm dứt nuôi con nuôi khi trẻ em chưa thành niên, đã thành niên mà có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, đã thành niên mà mất khả năng lao động; đối với trẻ em 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì phải có sự đồng ý của trẻ em đó.
Nếu hai bên thỏa thuận mà ảnh hưởng đến lợi ích của con nuôi thì việc chấm dứt nuôi con nuôi không được chấp nhận.
Về thủ tục:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Bộ luật dân sự 2015 yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi là việc dân sự, nộp đơn tại Tòa án có thẩm quyền, đơn yêu cầu và các nội dung chính theo Điều 362 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và kèm theo các giấy tờ sau:
Chứng thư (bản sao chứng thực), sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực), giấy khai sinh của con nuôi (bản sao chứng thực), giấy chứng nhận nuôi con nuôi gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đang cư trú để được giải quyết để chứng minh cho yêu cầu là có căn cứ và hợp pháp.
Điều 362. Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự
1. Người yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự phải gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền quy định tại Mục 2 Chương III của Bộ luật này.
Trường hợp Chấp hành viên yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự theo quy định của Luật thi hành án dân sự thì có quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này.
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;
đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);
e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
g) Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
3. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.