Theo mình,
Thứ nhất: "Quyền về lối đi qua" được quy định cụ thể tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015:
"Điều 254. Quyền về lối đi qua
1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù".
Như vậy, theo quy định trên thì anh có quyền được yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Do đó, anh có thể thoả thuận lại với người cậu của mình để có lối đi hoặc thông báo với cơ quan có thẩm quyền đang quản lý đất công giáp với đất của gia đình anh.
Thứ hai: Việc chính quyền thôn yêu cầu gia đình anh phải bồi thường số tiền khoảng 80 triệu.
Theo quy định của pháp luật về đất đai thì thôn không có thẩm quyền về đất như trên. Mà chủ thể có thẩm quyền về đất có thể là Uỷ ban nhân dân cấp Xã (đối với việc cho thuê quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích) và cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân huyện cấp huyện/tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
"Điều 4. Cơ quan quản lý đất đai
1. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương bao gồm:
a) Cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Cơ quan quản lý đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Phòng Tài nguyên và Môi trường".
Như vậy đối với vấn đề này, anh nên liên hệ với UBND cấp xã hoặc trực tiếp liên hệ với phòng tài nguyên và môi trường thuộc UBND cấp huyện nơi có đất để được giải quyết theo quy định pháp luật.