"HỘ KHẨU” ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT KHI THI CÔNG CHỨC - NÊN HAY KHÔNG?
Hiện nay, nhiều nơi trên cả nước thi nhau chạy theo hộ khẩu mỗi khi đến mùa thi tuyển công chức. Cụ thể ngay chính tại Hà Nội, UBND TP.Hà Nội đã từng ban hành Quyết định về việc phê duyệt chỉ tiêu và ban hành kế hoạch thi tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã thuộc TP. Hà Nội năm 2015.
Theo Quyết định, tổng chỉ tiêu thi tuyển công chức năm 2015 là 560 người. Về điều kiện và tiêu chuẩn dự thi tuyển công chức, ngoài điều kiện phải có quốc tịch Việt Nam, phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, các trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, phải có ít nhất một trong các điều kiện sau: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước; tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; có bằng Tiến sỹ tuổi đời dưới 35; có bằng Thạc sỹ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30. Bằng thạc sĩ, tiến sĩ, hộ khẩu phải chăng đang dần quyết định vai trò của con người thay vì năng lực, thực tài của họ? Dựa vào đâu mà hộ khẩu lại vô cùng quan trọng , là điều kiện tiên quyết cho mỗi kì thi công chức?
Không thể hoàn toàn phủi nhận về ý nghĩa của điều kiện hộ khẩu trong kì thi công chức. Bởi lẽ, theo hộ khẩu - nơi họ sinh ra, gắn bó hẳn hơn ai hết, họ hiểu được cuộc sống, văn hóa, thuận lợi, khó khăn nơi đây. Đây là điều vô cùng thuận lợi cho công việc sau này. Hơn nữa, họ quen thuộc đường đi lối lại, nhận được sự tin yêu, ủng hộ của người dân, giúp họ dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ. Nếu tuyển một người từ nơi khác tới, tất cả những điều trên đều phải bắt đầu từ con số 0. Đây là một quãng đường dài, tốn nhiều thời gian mà hiệu quả chưa chắc bằng những người có hộ khẩu ở đây.
Tuy nhiên, việc đưa hộ khẩu như một điều kiện bắt buộc khi nộp hồ sơ thi công chức phải chăng đã hợp lí? Xét về pháp luật, Điều 36 Luật Cán bộ, công chức đã quy định những tiêu chuẩn rất rõ ràng đối với người đăng ký dự tuyển công chức. Luật không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo. Luật quy định rất rõ rằng: Người đăng ký dự tuyển công chức đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ và các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển. Như vậy, Luật Cán bộ , công chức không hề đề cập đến vấn đề hộ khẩu khi thi công chức. Trong điều luật có mở rộng theo hướng “ các điều kiện khác” nhưng phải phù hợp với vị trí dự tuyển. Hơn nữa trong quy định về lí lịch phải rõ ràng tức phải có họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, địa chỉ nơi cư trú, quan hệ gia đình, quá trình đào tạo, năng lực, sở trường... và được chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận. Cả hai điều này đều không có nghĩa rằng người dự tuyển phái có hộ khẩu tại nơi dự tuyển. Bên cạnh đó, vi phạm khoản 2 Điều 8 Luật Cư trú. Theo đó, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân”. Như vậy, việc quy định bắt buộc về hộ khẩu khi thi công chức không chỉ vi phạm quy định của luật Cán bộ, công chức, luật cư trú mà còn xâm phạm quyền tự do, bình đẳng - một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ.
Xét trên thực tế, quy định hộ khẩu là một trong những hạn chế lớn, kiềm hãm tài năng của nhân tài trong cả nước, hạn chế sự phát triển của địa phương nói riêng, và cả nước nói chung. Không những vậy, quy định này còn vô tình tạo điều kiện dấy lên tệ nạn chạy bằng, chạy hộ khẩu trong thực tế, tạo ra sự phẫn nộ trong nhân dân. Việt Nam những gần đây luôn lên tiếng về vấn đề “ chảy máu chất xám” nhưng chính cơ quan nhà nước lại không tại điều kiện, cơ hội cho nhân tài phát huy, không trọng dụng người có thực lực , không tạo đất lành trách sao chim không đậu.