Một trong những câu hỏi phổ biến nhất liên quan đến pháp luật giao thông là việc đi xe “xin số”, hay những chiếc xe chưa gắn biển số chính thức thì có bị xử phạt hay không? Bài viết nay sẽ đưa ra lời giải đáp chi tiết nhất.
Xe xin số, xe không biển số lưu thông có bị phạt
Để có được biển số thì xe của bạn phải được đăng ký và cấp Giấy đăng ký xe (hay còn gọi là cà vẹt). Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì Giấy đăng ký xe là một trong những giấy tờ bắt buộc phải mang theo khi điều khiển phương tiện giao thông.
Hướng dẫn về việc đăng ký xe, Thông tư 58/2020/TT-BCA có quy định như sau:
“Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.”
Theo đó, sau khi mua xe, chúng ta có 30 ngày để đến cơ quan đăng ký xe làm thủ túc cấp đăng ký xe và biển số. Trên thực tế, nếu bạn là người trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền để đăng ký xe và xin cấp biển thì thời hạn cấp Chứng nhận đăng ký xe (cà vẹt) lần đầu là 2 ngày làm việc, còn thời hạn cấp biển số lần đầu là ngay sau khi họ tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe hợp lệ.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp ví lý do cá nhân hoặc vì gửi gắm các cửa hàng bán xe, showroom xe làm biển số giúp mà quá trình thực hiện đăng ký xe, cấp biển số có thể bị kéo dài. Trong thời gian đó chúng ta chưa thể có một chiếc biển số đúng theo quy định.
Trường hợp này, Điều 12 Thông tư 58 hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký xe tạm thời dành cho những xe “chưa được đăng ký, cấp biển số chính thức có nhu cầu tham gia giao thông”
Theo quy định này, người dân mới mua xe máy và đang trong thời gian chờ cấp đăng ký xe, biển số chính thức chỉ cần xin cấp đăng ký tạm thời sẽ được tham gia giao thông. Lúc này, bạn sẽ được gắn biển “xe xin số” nếu là xe máy.
Đối với Ô tô, chỉ có xe ô tô làm thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe để tái xuất về nước hoặc chuyển nhượng tại Việt Nam và xe có quyết định điều chuyển, bán, cho, tặng thì mới được cấp biển tạm thời.
Ngoài các trường hợp đăng ký xe tạm thời nêu trên, người dân điều khiển phương tiện không có đăng ký xe, không có biển số sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
*Lỗi không có Giấy đăng ký xe (cà vẹt):
+ Xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự: Phạt 02 - 03 triệu đồng (Điểm a Khoản 4 Điều 16).
+ Xe mô tô, xe gắn máy và các xe tương tự: Phạt 300.000 - 400.000 đồng (Điểm a Khoản 2 Điều 17).
+ Máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên: Phạt 01 - 02 triệu đồng (Điểm d Khoản 2 Điều 19).
*Lỗi điều khiển xe không gắn biển số:
+ Xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự: Phạt 02 - 03 triệu đồng (Điểm b Khoản 4 Điều 16).
+ Xe mô tô, xe gắn máy và các xe tương tự: Phạt 300.000 - 400.000 đồng (Điểm c Khoản 2 Điều 17).
+ Máy kéo (kể cả rơ moóc được kéo theo), xe máy chuyên dùng: Phạt 01 - 02 triệu đồng (Điểm đ Khoản 2 Điều 19).