Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào ngày 27/06/2024, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điểm mới.
Trong đó, quy định xe gắn máy, xe mô tô sẽ phải kiểm định khí thải là một trong những điểm đáng chú ý của Luật.
Ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng mà nhiều thành phố lớn tại Việt Nam đang phải đối mặt. Phần lớn ô nhiễm không khí xuất phát từ khí thải của các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe gắn máy và xe mô tô.
Trong khi ở Việt Nam, xe gắn máy là phương tiện lưu thông chính, chiếm số lượng nhiều trong giao thông đường bộ Với hàng triệu xe lưu thông mỗi ngày, việc kiểm soát khí thải trở nên cấp thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.
(1) Từ ngày 01/01/2025, xe gắn máy, xe mô tô sẽ phải kiểm định khí thải đúng không?
Theo Điều 42 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định về bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ như sau:
- Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định.
- Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Như vậy, so với Luật giao thông đường bộ năm 2008, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã thêm quy định về việc xe gắn máy, xe mô tô sẽ phải kiểm định khí thải.
Bên cạnh đó, theo khoản 4 và khoản 5 Điều 42 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã đề cập như sau:
Việc chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng do đăng kiểm viên của cơ sở đăng kiểm thực hiện và được cơ sở đăng kiểm cấp giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.
Liên quan đến quy định này, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: Luật Trật tự, an toàn giao thông mới có hiệu lực từ 01/01/2025 nhưng không đồng nghĩa tất cả mô tô, xe gắn máy trên cả nước sẽ phải kiểm định khí thải từ ngày này.
Cụ thể, luật đưa ra quy định nhưng thời điểm thực hiện còn phụ thuộc vào lộ trình áp dụng mà Chính phủ ban hành. Lộ trình này sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng Bộ GTVT xây dựng, trình Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định.
(2) Lợi ích khi kiểm định khí thải xe gắn máy, xe mô tô
Xe gắn máy được xem là phương tiện lưu thông chính và chiếm số lượng đông đảo lưu thông trên đường. Việc kiểm định khí thải xe gắn máy và xe mô tô mang lại nhiều lợi ích như sau:
+ Bảo vệ môi trường: Giảm thiểu lượng khí thải độc hại như CO2 và các hạt bụi mịn, góp phần làm sạch không khí và bảo vệ tầng ozon. Xe máy và mô tô được kiểm định khí thải sẽ thải ra ít khí độc hại hơn, giúp cải thiện chất lượng không khí.
+ Bảo vệ sức khỏe cộng đồng: Giảm thiểu các bệnh về hô hấp, tim mạch và các bệnh mãn tính khác do ô nhiễm không khí gây ra. Ngoài ra sẽ giảm khí thải từ phương tiện giao thông sẽ làm giảm ô nhiễm không khí, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
+ Nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu: Các xe được kiểm định và bảo dưỡng đúng cách sẽ tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả hơn, giảm chi phí vận hành cho người dân.
+ Tăng tuổi thọ phương tiện: Kiểm định và bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề kỹ thuật, từ đó tăng tuổi thọ và đảm bảo an toàn khi vận hành xe, nâng cao chất lượng xe.
Việc kiểm định khí thải đối với xe gắn máy và xe mô tô là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Quy định này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân.
(3) Trách nhiệm của cơ sở đăng kiểm, chủ xe, người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô
Căn cứ theo Điều 43 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ, cơ quan đăng kiểm, chủ xe, người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô phải có trách nhiệm như sau:
- Cơ quan đăng kiểm:
Cơ sở đăng kiểm là tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ công thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được tổ chức, hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Cơ sở đăng kiểm chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng; từ chối kiểm định phương tiện khi chủ phương tiện chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính.
- Chủ xe, người điều khiển xe gắn máy, xe mô tô:
+ Chấp hành các quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số, kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới, xe máy chuyên dùng theo quy định.
+ Phải bảo dưỡng, sửa chữa để bảo đảm duy trì tình trạng kỹ thuật của phương tiện; chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hành vi đưa phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tham gia giao thông đường bộ.
+ Tổ chức, cá nhân đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe tiếp tục chịu trách nhiệm của chủ xe khi chưa thực hiện thu hồi đăng ký, biển số đối với trường hợp phải thu hồi theo quy định tại khoản 7 Điều 39 Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
+ Tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì chưa đăng ký, đăng kiểm phương tiện vi phạm; sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông thì được đăng ký, đăng kiểm phương tiện đó theo quy định.
+ Chấp hành các quy định khác của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.
Tóm lại, từ ngày 01/01/2025, xe gắn máy, xe mô tô sẽ phải kiểm định khí thải. Cơ quan đăng kiểm, chủ xe và người điều khiển phải tuân thủ trách nhiệm đã được quy định theo pháp luật.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2025, riêng quy định về quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao 1,35m khi ngồi xe ô tô có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.