Vừa qua, vụ việc đoàn xe đạp đi vào đường cấm bị tài xế ô tô nhắc nhở thì bao vây đe dọa khiến người dân bức xúc. Trước đó, không ít những vụ đoàn xe đạp lấn xe ô tô hay đi vào đường cấm, vậy trường hợp xe đạp chạy vào đường cao tốc thì như thế nào?
(1) Xe đạp có được chạy trên cao tốc không?
Căn cứ tại khoản 12 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định: “Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định”
Đồng thời, khoản 4 Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định các phương tiện không được lưu thông trên đường cao tốc, bao gồm: người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Như vậy, theo quy định pháp luật xe đạp được phân vào loại phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (khoản 19 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008), có thể thấy người tham gia giao thông sử dụng xe đạp không được phép đi vào đường cao tốc (ngoại trừ trường hợp phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
(2) Xe đạp điện có được chạy trên cao tốc không?
Căn cứ tại khoản 19 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.
Như vậy theo phân tích tại mục (1) thì xe thô sơ không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Theo đó, xe đạp điện cũng không được chạy trên đường cao tốc.
(3) Mức xử phạt hành vi đi xe đạp vào đường cao tốc
Căn cứ Điểm a, Khoản 4, Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ” tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải bồi thường thiệt hại nếu có.
Tham khảo: Xe đạp lấn làn xe ô tô, đi vào đường cấm phạt bao nhiêu?
Theo Khoản 3 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm k Khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền 300.000 - 400.000 đồng đối với người lái xe đạp đi vào khu vực cấm, đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển "Cấm đi ngược chiều".
Xem bài viết liên quan: Chạy xe đạp thể thao lấn làn ô tô bị xử lý ra sao?