Xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng là gì?

Chủ đề   RSS   
  • #606771 10/11/2023

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81095
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1693 lần


    Xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng là gì?

    Vừa qua, tình trạng xâm hại trẻ em qua mạng nói chung, xâm hại tình dục trẻ em qua mạng nói riêng gây nhức nhói trong cộng đồng. Vậy xâm hại tình dục trẻ em qua mạng là gì? Bài viết sẽ cũng cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

    Cảnh báo tình trạng xâm hại tình dục trẻ em qua mạng

    Theo lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, hoạt động của đối tượng sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em; xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em qua mạng đang diễn biến rất phức tạp. 

    Thủ đoạn phổ biến là thông qua các dịch vụ mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò để kết bạn, làm quen, dụ dỗ trẻ em gặp gỡ để quan hệ, xâm hại tình dục. Một số đối tượng thông qua mạng xã hội, làm quen, đặt vấn đề quan hệ tình cảm hoặc hứa hẹn cho tiền, quà để dụ dỗ, đe dọa, ép buộc trẻ em trình diễn khiêu dâm qua mạng.

    Một số trường hợp còn đăng tải lên không gian mạng các hình ảnh, clip trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực học đường; các hình ảnh riêng tư, nhạy cảm của trẻ em, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, cuộc sống riêng tư của trẻ. 

    Đặc biệt, thời gian gần đây nổi lên thủ đoạn thông qua mạng xã hội làm quen, “núp bóng” tuyển dụng để hẹn gặp gỡ, lôi kéo, khống chế, cưỡng ép đưa trẻ em đến các khu lao động bất hợp pháp tại nước ngoài để bóc lột lao động, bóc lột tình dục.

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 37 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. 

    Đồng thời, Điều 25 Luật Trẻ em 2016 cũng quy định: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục”.

    Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng không chỉ gây ra những tổn thương về thể xác mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và tâm lý của trẻ em. Trẻ em bị xâm hại có thể mắc phải các rối loạn về cảm xúc, hành vi và nhận thức như lo âu, ám ảnh, tự ti, tự kỷ, tự tử hoặc bạo lực. Bên cạnh đó, trẻ em bị xâm hại cũng có khả năng cao bị ảnh hưởng đến sự học tập, giao tiếp và hòa nhập xã hội.

    Đây là một vấn nạn cần được chấm dứt ngay lập tức bởi nó vi phạm quyền con người và quyền của trẻ em. Theo đó, nhà trường, gia đình và xã hội cần quan tâm hơn về phòng, chống xâm hại trẻ em, cần có những biện pháp để ngăn chặn vấn này. 

    Tham khảo: Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111)

    Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em là dịch vụ công đặc biệt thành lập theo quy định của Luật Trẻ em 2016, chịu sự quản lý của Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền Thông thuộc Cục Trẻ em

    Tổng đài 111 là đường dây khẩn cấp có nhiệm vụ thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại, kiểm tra thông tin tố giác ban đầu. Những thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại sẽ ngay lập tức được chuyển tới các cá nhân, cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em. Tổng đài không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến.

    Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu trẻ em vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai thu thập thông tin về tình hình trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em theo Thông tư 13/2021/TT-BLĐTBXH.

    Quy định về hành vi xâm hại tình dục người dưới 13 tuổi?

    Theo Luật trẻ em 2016 quy định thì Trẻ em là người dưới 16, mọi hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều bị nghiêm cấm.

    Theo Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: 

    “Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...).” 

    Do đó, hành vi giao cấu với người dưới 13 tuổi dù đồng thuận hay do cưỡng bức, hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...) đều là hoạt động xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi bị pháp luật nghiêm cấm.

    Tội hiếp dâm người dưới 13 tuổi bị xử lý thế nào?

    Theo Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi thì bị phạt tù từ 07-15 năm tại điểm b khoản 1 Điều 142 được sửa đổi bởi khoản 24 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

    Ngoài ra, việc quan hệ với người dưới 13 tuổi tự nguyện cũng được xếp vào một trong các hành vi phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

    Theo đó, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm hại tình dục đối với người dưới 13 tuổi với mức phạt tù từ 07-15 năm.

    Nếu hành vi đó thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt từ 12-20 năm tù:

    - Có tính chất loạn luân;

    - Làm nạn nhân có thai;

    - Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

    - Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

    - Phạm tội 02 lần trở lên;

    - Đối với 02 người trở lên;

    - Tái phạm nguy hiểm.

    Theo đó, nếu hành vi xâm hại tình dục người dưới 13 tuổi không phải lần đầu tiên, người phạm tội này có thể bị phạt tù từ 12-20 năm.

    Đối với mức phạt cao nhất của Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, nếu thuộc một trong các trường hợp:

    - Có tổ chức;

    - Nhiều người hiếp một người;

    - Phạm tội đối với người dưới 10 tuổi;

    - Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    - Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

    - Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;

    - Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

    Theo đó, nếu trường hợp không chỉ một người, mà nhiều người cùng hiếp một người thì người phạm tội có thể đối diện với mức phạt cao nhất là tử hình.

    Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01- 05 năm.

    Như vậy, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi xâm hại tình dục người dưới 13 tuổi về Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo Bộ luật Hình sự hiện hành.

     
    1963 | Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn xuanuyenle vì bài viết hữu ích
    admin (26/12/2023)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận