Thời gian gần đây, cả nước phát hiện nhiều trường hợp cán bộ, công chức có hành vi sử dụng bằng giả để thăng tiến, gây bức xúc trong dư luận. Do vậy việc xử lý thích đáng hành vi vi phạm này là cần thiết.
Theo đó, cán bộ, công chức xài bằng giả sẽ phải chịu những hậu quả sau đây:
- Về hành chính:
Khoản 3, 5 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ quy định như sau:
"Điều 16. Vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ
...
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
...
5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này."
Như vậy, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả có thể bị phạt tiền lên đến 20 triệu đồng. Đồng thời, văn bằng, chứng chỉ giả cũng sẽ bị tịch thu.
- Về hình sự:
Trường hợp việc mua bán văn bằng, chứng chỉ đủ yếu tố cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sư 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:
"Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng."
Có thể thấy, hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt lên đến 07 năm tù.
- Về mặt Đảng:
Đảng viên có hành vi vi phạm nêu trên còn bị xử lý kỷ luật theo điểm a khoản 2 Điều 22 Quy định 102-QĐ/TW như sau:
"Điều 22. Vi phạm về quản lý, cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ
...
2. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp để lập hồ sơ dự thi tuyển, xét tuyển, học tập nâng cao trình độ văn hóa, lý luận, nghiệp vụ, thi chuyển ngạch, nâng bậc để được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử, phong tặng hoặc công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước."
Như vậy, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm của hành vi xài bằng giả mà người sử dụng có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, kỷ luật về mặt đảng theo các quy định nêu trên.
Cập nhật bởi DuTiepKhac ngày 28/10/2019 05:23:08 CH
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!