Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

Chủ đề   RSS   
  • #602208 28/04/2023

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1446)
    Số điểm: 12229
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 211 lần


    Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

    Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì? Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

    Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?

    Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc vào hợp đồng (hay hiểu một cách đơn giản nhất là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng). Quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hình thành giữa các chủ thể bất kỳ mà trong đó, người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

    Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ phát sinh khi người có hành vi xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các chủ thể khác mà gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.

    Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?

    Theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định:

    - Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

    - Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

    - Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại.

    (Nội dung trên được hướng dẫn Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành)

    Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm?

    Theo quy định tai Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:

    (1) Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.

    (2) Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

    (3) Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

    (4) Thiệt hại khác do luật quy định.

    Để cụ thể nội dung trên, Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành có quy định:

    (1) Việc bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng sẽ căn cứ vào thỏa thuận của các bên, trường hợp không thỏa thuận được thì xác định thiệt hại như sau:

    - Trường hợp tài sản là vật thì xác định thiệt hại đối với tài sản bị mất, bị hủy hoại căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản bị mất, bị hủy hoại tại thời điểm giải quyết bồi thường; Đối với tài sản là tiền thì thiệt hại được xác định là số tiền bị mất, bị hư hỏng; Đối với giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà không thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là giá trị của các giấy tờ bị mất, bị hư hỏng tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trường hợp giấy tờ có giá bị mất, bị hư hỏng mà có thể khôi phục được thì thiệt hại được xác định là các chi phí cần thiết để khôi phục các giấy tờ đó.

    - Đối với tài sản bị hư hỏng, thiệt hại là chi phí để sửa chữa, khôi phục lại tình trạng tài sản trước khi bị hư hỏng theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường để xác định thiệt hại; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo nội dung hướng dẫn bên trên.

    (2) Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút là hoa lợi, lợi tức mà người bị thiệt hại đang hoặc sẽ thu được nếu tài sản không bị mất, bị hư hỏng.

    Hoa lợi, lợi tức được tính theo giá thực tế đang thu, nếu chưa thu thì theo giá thị trường cùng loại hoặc mức giá thuê trung bình 01 tháng của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiệt hại; đối với những tài sản trên thị trường không có cho thuê, hoa lợi, lợi tức được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 03 tháng liền kề do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra.

    (3) Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại là những chi phí thực tế, cần thiết tại thời điểm chi trong điều kiện bình thường cho việc áp dụng các biện pháp cần thiết làm cho thiệt hại không phát sinh thêm; sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản bị xâm phạm.

    Ví dụ: T đã có hành vi làm cháy nhà của H. Chi phí dập tắt đám cháy là X đồng; chi phí sửa chữa, khôi phục lại nhà như tình trạng ban đầu là Y đồng. Trường hợp này, X đồng là chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Y đồng là chi phí khắc phục thiệt hại.

     

     
    3070 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận