Giá bán hàng hóa dịch vụ thấp hơn so với giá thành toàn bộ của hàng hóa dịch vụ. Đây là điều kiện quyết định sự chính xác trong việc xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Trong đó:
Giá bán hàng hóa dịch vụ:
Giá bán hàng hóa dịch vụ là giá bán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường liên quan (thị trường hàng hóa liên quan và thị trường địa lý liên quan).
Xác định giá bán, hàng hóa dịch vụ là bước quan trọng trong việc xác định một hành vi có phải là hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh về bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh hay không. Do đó, việc xác định giá bán hàng hóa, dịch vụ phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
+ Dựa trên mức giá thực tế bán ra của doanh nghiệp bị điều tra mà không thông qua một bên thứ ba nào (đại lý, nhà phân phối, nhà bán lẻ,...). Không sử dụng mức giá bán trên thị trường để áp vào giá bán của doanh nghiệp bị điều tra.
+ Dựa trên mức giá được doanh nghiệp áp dụng để giao dịch trực tiếp với khách hàng của doanh nghiệp đó (ví dụ như: nhà bán lẻ, đại lý, nhà phân phối, người tiêu dùng,...)
Giá thành toàn bộ của hàng hóa dịch vụ:
Gia thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ là tổng các chi phí cấu thành giá thành sản phẩm hoặc giá mua hàng hóa để bán lại và các chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Trong đó:
+ Chi phí cấu thành sản phẩm bao gồm:
- Chi phí vật tư trực tiếp (Khoản 1 Điều 24 Nghị định 116/2005/NĐ-CP)
- Chi phí nhân công trực tiếp (Khoản 2 Điều 24 Nghị định 116/2005/NĐ-CP)
- Chi phí sản xuất chung (Khoản 3 Điều 24 Nghị định 116/2005/NĐ-CP)
- Chi phí quản lý doanh nghiệp (Điều 26 Nghị định 116/2005/NĐ-CP)
+ Chi phí Lưu thôn hàng hóa dịch vụ bao gồm các chi phí phát sinh trong quá trình tiêu thụ hàng hoá, cung ứng dịch vụ được quy định tại Điều 25 Nghị định 116/2005/NĐ-CP.
Để xác định được hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp nhằm bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh Thì phải xác định được giá bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp đó thấp hơn so với giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ đó.
Do đó, cơ quan quản lý thị trường chỉ cần xác định và tính toán tất cả các chi phí đã được doanh nghiệp bỏ ra để sản xuất, kinh doanh sản phẩm và giá bán thực tế của chúng rồi đem so sánh với nhau; nếu hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ với mức giá gây lỗ (thấp hơn tổng các các chị phí: chi phí cấu thành giá thành sản xuất hàng hóa, dịch vụ; chi phí lưu thông hàng hóa, dịch vụ) thì mặc nhiên sẽ được coi là định giá hủy diệt nếu doanh nghiệp thực hiện hành vi có quyền lực thị trường và hành vi đó không thuộc những trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 116/2005/NĐ-CP. Từ quy định trên, khi điều tra về hành vi vi cơ quan có thẩm quyền xác định và so sánh giữa giá bán trên thực tế và giá thành toàn bộ của cùng một sản phẩm thì việc xác định giá bán hàng hóa sẽ đơn giản nếu doanh nghiệp bán toàn bộ sản phẩm ở cùng một khâu phân phối ( chỉ bán lẻ hoặc chỉ bán sỉ) và sẽ gặp khó khăn nếu doanh nghiệp tổ chức tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều cấp tiêu thụ khác nhau: vừa bán lẻ trực tiếp, vừa bán sỉ cho đại lý.