Hiện nay, không khó để bắt gặp những đoạn clip người dân vượt rào chắn đường sắt đi qua khi có báo hiệu tàu. Có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra, tuy nhiên để mọi người hiểu hơn về quy định cũng như mức phạt để phòng tránh những trường hợp tương tự, bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
Quy tắc giao thông cần lưu ý trong khu vực đường ngang
Hiện nay, hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ở các lối mở. Vì thế, người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy tắc giao thông trong khu vực đường ngang.
- Ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt;
- Chấp hành hiệu lệnh của nhân viên gác đường ngang và chỉ dẫn của các báo hiệu trong phạm vi đường ngang;
- Khi có báo hiệu dừng bằng đèn tín hiệu, cờ đỏ, biển đỏ, còi, chuông hoặc loa phát âm thanh kêu, rào chắn đang dịch chuyển hoặc đã đóng, hiệu lệnh của nhân viên gác chắn, người tham gia giao thông đường bộ (kể cả những xe có quyền ưu tiên) đều phải dừng lại về bên phải đường của mình và trước vạch “Dừng xe”;
- Đối với đường ngang tổ chức phòng vệ bằng biển báo, người tham gia giao thông đường bộ phải dừng lại trước vạch dừng, lắng nghe còi tàu, chú ý quan sát tàu đến từ xa ở 2 phía, khi thấy chắc chắn không có phương tiện giao thông đường sắt tới đường ngang mới được đi qua;
- Không được quay đầu xe, dừng xe, đỗ xe trong phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang;
- Khi phương tiện tham gia giao thông đường bộ bị hư hỏng, bị tai nạn không thể di chuyển ngay ra khỏi phạm vi giữa hai vạch “Dừng xe” tại đường ngang, người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để nhanh chóng đưa phương tiện ra khỏi phạm vi này.
Nếu điểm gần nhất của xe hoặc của hàng hóa cách mép ngoài của ray ngoài cùng nhỏ hơn 1,75 m thì người điều khiển phương tiện phải tìm biện pháp để báo hiệu cho tàu dừng trước chướng ngại, đồng thời phải bằng mọi biện pháp nhanh chóng đưa phương tiện, hàng hóa ra cách mép ngoài của ray ngoài cùng tối thiểu 1,75 m…
Có được vượt rào chắn đường sắt hay không?
Hành vi vượt rào chắn đường sắt là một hành vi rất huy hiểm, vì tàu sắt có tốc độ di chuyển rất nhanh và không thể phanh gấp nên có thể gây ra hậu quả không đáng muốn nếu bạn vượt rào chắn đường sắt.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Đường sắt 2017 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt, trong đó có hành vi như sau:
- Vượt rào, vượt chắn đường ngang, vượt qua đường ngang khi có tín hiệu cấm; vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh.
Vì thế, hành vi vượt rào chắn là hành vi nguy hiểm và là hành vi vi phạm pháp luật.
Vượt rào chắn đường sắt bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo quy định tại Điều 49 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về việc xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt như sau:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
+ Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên đường sắt, trong cầu, hầm dành riêng cho đường sắt, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ;
+ Vượt tường rào, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với khu vực xung quanh;
+ Để súc vật đi qua đường sắt không đúng quy định hoặc để súc vật kéo xe qua đường sắt mà không có người điều khiển;
+ Đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hành vi khác trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy, trừ nhân viên đường sắt, lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ;
+ Phơi rơm, rạ, nông sản, để các vật phẩm khác trên đường sắt hoặc các công trình đường sắt khác;
+ Để rơi vãi đất, cát, các loại vật tư, vật liệu khác lên đường sắt.