Vướng mắc về Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm (Điều 155 BLHS)

Chủ đề   RSS   
  • #481410 07/01/2018

    Vướng mắc về Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm (Điều 155 BLHS)

    Vướng mắc về Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán hàng cấm (Điều 155 BLHS)   

    Một là, đối tượng tác động của tội phạm quy định trong điều luật còn chung chung và việc xác định đối tượng còn lệ thuộc vào các văn bản dưới luật.

    Để xác định một loại hàng hóa nào đó thuộc diện “hàng cấm” thì cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào các văn bản dưới luật như Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Bộ chuyên ngành ban hành. Trong khi đó, các văn bản này phải thường sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh của pháp luật đối với sự phát triển của nền kinh tế trong từng giai đoạn khác nhau của quá trình hội nhập kinh tế và khu vực. Vì vậy, có thể loại hàng hóa này ở thời điểm này sẽ bị cấm kinh doanh nhưng ở thời điểm khác có thể được phép kinh doanh và ngược lại. Đây là vấn đề bất cập trong thực tiễn áp dụng, dễ dẫn đến việc xử lý không chính xác, không công bằng nếu cơ quan có thẩm quyền bổ sung loại hàng hóa nào đó vào danh mục hàng cấm không có căn cứ. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng nếu không cập nhật kịp thời văn bản mới quy định về danh mục hàng cấm cũng dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

                    Hai là, việc xét xử hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm nói chung, mà không có phân biệt rạch ròi về đặc tính, công dụng và khả năng gây nguy hại của mỗi loại để quy định ở những điều luật khác nhau với chế tài xử phạt khác nhau mà được quy định gộp chung trong cùng một điều luật với cùng một chế tài xử phạt là không công bằng, không phản ánh đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

                    Những loại hàng cấm có tính đặc thù nêu trên đã được nhà làm luật tách khỏi đối tượng của tội phạm quy định tại Điều 155 và quy định là đối tượng tác động của các tội phạm cụ thể tại các điều luật trong nhiều chương của BLHS. Tuy nhiên hàng hóa bị cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép là đối tượng tác động của tội phạm Điều 155 BLHS vẫn còn rất đa dạng, phong phú, có đặc tính và công dụng không giống nhau. Ví dụ: Hóa chất bảng 1(theo Công ước quốc tế), các loại pháo, thuốc thú y,  thuốc bảo vệ thực vật cấm hoặc chưa được phép sử dụng tại Việt Nam …, các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, hóa chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam là những đối tượng có tính chất nguy hiểm cao và khả năng nguy hại cho các khách thể được Luật hình sự bảo vệ rõ ràng phải cao hơn so với các loại hàng hóa khác như phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường, trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng,...

                    Ba là, Điều 155 BLHS hiện hành quy định hành vi khách quan của tội phạm này hết sức đa dạng, không chỉ gồm hành vi sản xuất, tàng trữ mà còn hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm. Nhưng thực tế, không phải bất cứ trường hợp nào, người phạm tội cũng thực hiện tất cả các hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm. Do vậy, vấn đề định tội danh đối với những trường hợp trên thế nào? Theo tên của điều luật hay căn cứ vào hành vi phạm tội được thực hiện trên thực tế.

    Ví dụ: Trong một vụ án xét xử Nguyễn Văn A về hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán hàng cấm với nội dung như sau: “A sản xuất 50 kg pháo để bán, do chưa tìm được người mua nên cất giấu. Sau 2 tháng, A được Trần Văn B giới thiệu một người quen và bán lượng pháo trên thì bị bắt”. Viện kiểm sát đã truy tố A về tội “sản xuất, tàng trữ, mua bán hàng cấm”. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề định tội danh đối với A có hai quan điểm như sau:

    + Quan điểm thứ nhất: Tòa sơ thẩm xét xử A về tội “sản xuất, tàng trữ, mua bán hàng cấm” theo Điều 155 BLHS vì cho rằng các hành vi này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; tức là các hành vi này là một chuỗi liên tục với nhau và mỗi hành vi đều đáp ứng đủ yếu tố để cấu thành tội phạm nên Tòa án xử lý A theo tội danh với đầy đủ các hành vi đã thực hiện và được quy định tại Điều 155 “Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” BLHS.

    + Quan điểm thứ hai: Tòa phúc thẩm lập luận rằng các hành vi trái phép của A tuy có quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng hành vi sản xuất hàng cấm là hành vi nghiêm trọng và nguy hiểm hơn so với hành vi tàng trữ và hành vi mua bán vì nó là tiền đề, là điều kiện để thực hiện các hành vi tiếp theo. Tòa phúc thẩm cho rằng nếu không có hành vi sản xuất của A thì sẽ không có hành vi tàng trữ và hành vi mua bán. Do đó, Tòa chỉ xử lý A theo tên tội danh chủ yếu là “Tội sản xuất hàng cấm” theo Điều 155 BLHS.

                    Bốn là, ngoài ra việc định tội danh sai là do trình độ nghiệp vụ còn kém hoặc chưa nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và hướng dẫn áp dụng Bộ luật hình sự nên đã định tội danh không đúng như: người phạm tội vận chuyển hàng cấm qua biên giới bán kiếm lời thì Tòa án lại kết án về tội “buôn bán hàng cấm” chứ không kết án về tội “buôn lậu”. Mặt khác, vẫn còn không ít Thẩm phán sai lầm trong việc xác định số lượng, giá trị tài sản. Việc xác định số lượng, giá trị tài sản có ý nghĩa trong việc xác định mức hình phạt, ảnh hưởng đến tính chính xác và nghiêm minh của bản án, quyết định.

    Kiến nghị khắc phục

                     Một là, cần quy định đối tượng tác động của tội phạm (hàng cấm) quy định trong điều luật một cách cụ thể và nếu cần thiết có văn bản hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu. Trên cơ sở danh mục hàng hóa cấm kinh doanh do Chính phủ ban hành và yêu cầu bảo vệ trật tự kinh tế trong thời kỳ hội nhập sâu rộng quốc tế, cần xem xét loại hàng hóa nào mà hiện tại cũng như tương lai Nhà nước luôn cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán để quy định là đối tượng tác động của tội độc lập được quy định cụ thể trong BLHS

                    Cụ thể như: Nhà nước nghiêm cấm việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán pháo nổ, việc đốt pháo luôn bị Nhà nước nghiêm cấm; hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán quân trang của lực lượng Quân đội, Công an luôn bị Nhà nước cấm; tương tự có thể quy định Tội sản xuất, tàng trữ, mua bán đồ chơi nguy hiểm có hại an ninh, trật tự, an toàn xã hội; gây ảnh hưởng tới giáo dục nhân cách trẻ em; …Nghĩa là tách ra khỏi đối tượng tác động của tội phạm được quy định tại Điều 155 BLHS hiện hành.

                    Hai là, kiến nghị hoàn thiện Điều 155 BLHS theo hướng bổ sung đối tượng của Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015 vào các đối tượng mà Nhà nước cấm kinh doanh mà không thuộc đối tượng hàng cấm của Điều 155 BLHS.

    “Tội sản xuất, tàng trữ vận chuyển, buôn bán hàng cấm” tại Điều 155 BLHS mang tính chất liệt kê, điều luật đã xác định đối tượng hàng cấm của Điều 155 bao gồm những loại hàng cấm không thuộc các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 BLHS năm 1999. Việc liệt kê trên dẫn đến thực trạng không đầy đủ. Giả sử trong trường hợp một người vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã quý hiếm thì sẽ áp dụng Điều 155 BLHS về vận chuyển, mua bán hàng cấm hay Điều 190 BLHS về vi phạm các quy định về bao vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Do đó, nhà làm luật nên bổ sung Điều 190 vào các điều luật về hàng cấm cụ thể, mà không định tội danh theo Điều 155 BLHS.

                    Ba là, đối với những loại hàng cấm mà người thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán sẽ xâm phạm cùng lúc nhiều loại khách thể được luật hình sự bảo vệ, trong đó trật tự quản lý kinh tế không phải là khách thể bị xâm hại chính cần được tách ra để xếp vào chương tương ứng với khách thể chính bị xâm hại.

     
    8071 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #549810   24/06/2020

    Việc quy định trị giá hàng phạm pháp (hàng cấm) để xử lý hình sự là một bất cập, vì trên thực tế đã là hàng cấm, không được phép lưu hành trên thị trường thì sẽ không có giá, do đó sẽ không xác định được giá. Đây là vướng mắc trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, đặc biệt là pháo nổ và thuốc lá điếu nhập lậu.

     
    Báo quản trị |  
  • #550028   26/06/2020

    Chủ tọa phiên toà không phải là người đại diện chỉ để đọc lại những điều mà pháp luật qui định, người thẩm phán còn phải phân tích đưa ra những hướng xét xử theo từng trường hợp cụ thể dựa trên cái chung là văn bản pháp luật nên chuyện luật chưa qui định rõ điều này hay còn lỗ hỏng nào đó thì lúc này đó là trách nhiệm của người thẩm phán và theo logic ngành mà ra quyết định chứ không phải mọi chuyện đều được miêu tả theo văn bản hết được.

     
    Báo quản trị |