Trong nửa đầu năm nay ( năm 2018), dư luận đang quan tâm sôi nổi với vấn đề dự thảo Luật An ninh mạng 2018 được thông qua vào ngày 12/06/2018 với sự bỏ phiếu tán thành của hơn 86% đại biểu Quốc hội. Luật An ninh mạng ra đời để bảo vệ an ninh nhà nước trong quản lý thông tin, chống các hành vi xuyên tạc, bôi xấu, cung cấp thông tin sai lệch ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và chế độ Nhà nước. Vấn đề này được dư luận quan tâm sâu sắc và nảy sinh không ít bất đồng, tranh cải bởi Luật An ninh mạng 2018 đã nổi lên nhiều bất cập, hạn chế, khó khăn trong thi hành, đe dọa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công chúng.
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Luật An ninh mạng khá rộng, gần như bao quát hết các vấn đề liên quan tới bảo vệ an ninh mạng và các hoạt động trên không gian mạng, bởi vậy dễ trùng lặp về nội dung và chồng chéo về thẩm quyền quản lý nhà nước với các văn bản luật khác đang có hiệu lực như Luật An toàn thông tin 2015, Luật Cơ yếu, Luật Công nghệ thông tin…Như vậy sẽ vô cùng khó khăn và tốn nhiều chi phí để thi hành toàn bộ hệ thống luật trên.
Thứ hai, việc áp dụng Luật an ninh mạng sẽ dễ gây lạm quyền của cơ quan nhà nước trong việc quản lý thông tin của cá nhân và có khả năng xâm phạm quyền bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân như thư tín, điện tín, điện thoại hoặc các phương tiện điện tử,.. Bởi lẽ luật quy định chung chung, không cụ thể, phần lớn dựa vào việc giải thích, quyết định của cơ quan, cá nhân thi hành, cho nên vấn đề lạm quyền là không thể tránh khỏi. Do vậy việc thi hành Luật An ninh có thể dẫn đến sự thụt lùi của phát triển internet khi mà của quyền tự do con người bị thu hẹp nghiêm trọng. Một quy định về giới hạn quyền cần chú ý là khoản 9 điều 16, cụ thể được quy định như sau: “Tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.”
Như vậy chỉ cần soạn thảo, đăng tải , phát tán những thông tin tại các khoản 1,2,3, 4 đều buộc phải gỡ bỏ và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quy định này quá rập khuôn, không khái quát, bởi trong trường hợp mục đích của người đăng tải hợp pháp thì sao? Việc quản lý các thông tin nguy hiểm một cách bí mật, không cho công chúng cơ hội để tiếp cận, từ đó phòng tránh, ngăn chặn là quá nguy hiểm. Gỉa sử một số người đăng tải, phát tán những thông tin trên với mục đích để người đọc cảnh giác, phòng tránh thì cũng vi phạm pháp luật? Do đó các nhà làm luật nên quy định cụ thể nhiều trường hợp để tránh những hậu quả nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia pháp luật, Luật An ninh mạng 2018 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác cho xã hội, nền kinh tế mà ta không lường trước được. Việc xây dựng một đạo luật về an ninh mạng xã hội là cần thiết trong xã hội hội nhập ngày nay. Tuy nhiên việc áp dụng một đạo luật không phù hợp không những không giải quyết được những vấn đề phát sinh, mà còn làm cho tình hình xấu hơn. Để bảo vệ một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, chúng ta nên tập trung xây dựng, phát triển khâu kỹ thuật. Một hệ thống kỹ thuật, an ninh tốt sẽ giúp ta phòng ngừa, phòng tránh những rủi ro. Luật pháp nếu không được thi hành hiệu quả, phù hợp thì cũng không mang lại hiệu quả cao, đặc biết với những bất cập như Luật an ninh mạng, việc thi hành nó là quá khó khăn đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro, hậu quả không lường trước được. Hy vọng nước ta sẽ chú trọng nhiều hơn vào hệ thống an ninh mạng qua quá trình cải thiện, phát triển hệ thống kỹ thuật, đồng thời ban hành, sửa đổi những văn bản pháp luật một cách phù hợp hơn trong thời gian tới.