Vừa là đại biểu HĐND cấp xã, vừa là đại biểu HĐND cấp huyện thì hưởng phụ cấp của mấy cấp?

Chủ đề   RSS   
  • #617614 18/10/2024

    btrannguyen
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:13/03/2024
    Tổng số bài viết (1181)
    Số điểm: 21604
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 442 lần


    Vừa là đại biểu HĐND cấp xã, vừa là đại biểu HĐND cấp huyện thì hưởng phụ cấp của mấy cấp?

    Trường hợp một người vừa là đại biểu HĐND cấp xã, vừa là đại biểu HĐND cấp huyện thì hưởng chế độ phụ cấp của mấy cấp? Có được hưởng của cả hai cấp xã và cấp huyện không?

    Vừa là đại biểu HĐND cấp xã, vừa là đại biểu HĐND cấp huyện thì hưởng phụ cấp của mấy cấp?

    Theo Điều 3 Nghị quyết 1206/2016/NQ-UBTVQH13 quy định về chế độ, chính sách đối với đại biểu Hội đồng nhân dân như sau:

    (1) Về tiền lương

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách là cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước thuộc đối tượng áp dụng của Luật Cán bộ, công chức 2008 được trả lương, phụ cấp và các chế độ khác từ ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội và quy định khác của pháp luật;

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách đang làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 103 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015;

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách mà không phải là người hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội thì được chi trả chế độ tiền công lao động theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân:

    Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: 0,10 mức lương cơ sở/ngày;

    Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: 0,12 mức lương cơ sở/ngày;

    Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: 0,14 mức lương cơ sở/ngày;

    Ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân là ngày tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân theo kế hoạch, chương trình hoạt động của Hội đồng nhân dân.

    (2) Về hoạt động phí

    Đại biểu Hội đồng nhân dân (bao gồm cả đại biểu hoạt động chuyên trách và hoạt động không chuyên trách) được hưởng hoạt động phí hàng tháng như sau:

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã: Hệ số 0,3 mức lương cơ sở;

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện: Hệ số 0,4 mức lương cơ sở;

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh: Hệ số 0,5 mức lương cơ sở;

    (3) Các chế độ, chính sách khác

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân nếu từ trần mà người lo mai táng không đủ Điều kiện hưởng trợ cấp mai táng từ Quỹ bảo hiểm xã hội hoặc không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp mai táng từ ngân sách nhà nước thì được hưởng một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở do Hội đồng nhân dân cấp đó chi trả từ ngân sách nhà nước;

    - Đại biểu Hội đồng nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được xét khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

    Như vậy, hiện hành không có quy định về việc đại biểu HĐND hai cấp chỉ được hưởng 1 mức hoạt động phí của đại biểu HĐND. Theo đó, trường hợp vừa là đại biểu HĐND cấp xã, vừa là đại biểu HĐND cấp huyện thì có thể hưởng phụ cấp của cả 2 cấp.

    Đại biểu HĐND phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào?

    Theo Điều 7 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 được bổ sung bởi khoản 3 Điều 2 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019 quy định về tiêu chuẩn của Đại biểu hội đồng nhân dân như sau:

    - Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

    - Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

    - Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

    - Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; có điều kiện tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân.

    - Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

    Như vậy, đại biểu HĐND phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định trên.

    Đại biểu HĐND có nhiệm kỳ bao nhiêu năm?

    Theo Điều 10 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân như sau:

    - Nhiệm kỳ của mỗi khóa Hội đồng nhân dân là 05 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau. Chậm nhất là 45 ngày trước khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội đồng nhân dân khóa mới phải được bầu xong.

    Việc rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân do Quốc hội quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

    - Nhiệm kỳ của đại biểu Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu bổ sung bắt đầu làm nhiệm vụ đại biểu từ ngày khai mạc kỳ họp tiếp sau cuộc bầu cử bổ sung đến ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa sau.

    - Nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới bầu ra Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân khóa mới."

    Như vậy, nhiệm kỳ của mỗi khóa HĐND là 5 năm, kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa đó đến kỳ họp thứ nhất của HĐND khóa sau. Nhiệm kỳ của đại biểu HĐND theo nhiệm kỳ của HĐND nên cũng là 5 năm.

     
    38 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận