Đã hơn một tuần trôi qua kể từ vụ tai nạn thương tâm của bé trai 10 tuổi tại Đồng Tháp đến nay công việc cứu hộ, cứu nạn vẫn đang tiếp tục để đưa thi thể cháu bé trở về với gia đình.
Bỏ qua việc các cháu bé tự ý đi vào công trình do độ tuổi vẫn ý thức được khu vực nào là nguy hiểm thì trách nhiệm của đơn vị xây dựng cũng cần được truy cứu.
Vậy, sau khi vụ việc kết thúc thì đơn vị xây dựng có chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) hay chỉ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?
1. Ai là người sẽ chịu trách nhiệm sự cố trong quá trình thi công?
Trong một dự án xây dựng bao gồm nhiều đơn vị tham gia và trách nhiệm quản lý cũng được phân định khác nhau, theo Điều 7 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định việc phân định trách nhiệm giữa các chủ thể trong quản lý xây dựng công trình như sau:
- Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư (nếu có).
- Nhà thầu thi công xây dựng.
- Nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt vào công trình.
- Các nhà thầu tư vấn gồm: khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát, thí nghiệm, kiểm định và các nhà thầu tư vấn khác.
Các chủ thể nêu trên phải là đơn vị đáp ứng được điều kiện năng lực theo quy định, chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chất lượng và an toàn đối với các công việc do mình thực hiện trước pháp luật.
Do đó, từ chủ đầu tư đến việc nhà thầu vật tư, kỹ thuật đều có trách nhiệm đối với công trình mình tham gia xây dựng. Tuy nhiên, khi có vi phạm ở giai đoạn nào mà một trong các chủ thể trên phụ trách thì những chủ thể này sẽ bị quy trách nhiệm ở giai đoạn đó. Đối với các chủ thể còn các đơn vị khác sẽ chịu trách nhiệm liên đới.
2. Trách nhiệm đơn vị thi công công trình xây dựng
Đơn vị thi công công trình xây dựng sẽ đáp ứng nội dung quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm:
- Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình;
- Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình;
- Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình;
- Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình;
- Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng;
- Quản lý các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng.
Trong đó, có quy định đơn vị thi công sẽ quản lý luôn vấn đề an toàn lao động, kể cả môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình. Vì vậy trường hợp đứa bé bị tai nạn sẽ thuộc vấn đề quản lý của phía đơn vị xây dựng.
Đồng thời, theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP yêu cầu đơn vị thi công phải bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.
Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
3. Nhà thầu thi công sẽ chịu TNHS hay bồi thường ngoài hợp đồng?
Hiện nay, công tác cứu hộ, cứu nạn vẫn chưa hoàn tất vì vậy vẫn chưa thể kết luận cho việc truy cứu trách nhiệm đơn vị thi công được, tuy nhiên dựa trên tình tiết vụ việc có thể bước đầu xác định trách nhiệm như sau:
3.1 Đơn vị thi công chỉ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Căn cứ Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 cho rằng trường hợp phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra khi:
Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Trong trường hợp vụ việc nêu trên thì đơn vị thi công đã sơ suất trong việc bố trí người túc trực, giám sát việc thi công được đảm bảo an toàn nên trách nhiệm sẽ thuộc về bên thi công. Do đó, việc bồi thường là tất yếu phải thực hiện, nhưng do tính chất vụ việc này quá lớn và có thiệt hại về tính mạng và tổn thất nhiều nguồn lực như tiền, của, điều động nhân lực của nhà nước nên sẽ phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
3.2 Truy cứu trách nhiệm hình sự đơn vị thi công
Do cháu bé đã được cơ quan chuyên môn xác định là đã tử vong, theo đó, cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm chính vụ này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp theo quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật hình sự 2017).
Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 01 năm - 05 năm. Ngoài ra, người này còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm.
Ngoài ra, tùy vào thiệt hại xảy ra đối với nạn nhân là cháu bé mà cá nhân, tổ chức liên quan sẽ phải liên đới trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm, Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 về bồi thường do tính mạng bị xâm phạm.
Như vậy, đơn vị thi công chủ yếu trong vụ việc này là đơn vị nhà thầu công trình xây dựng sẽ chịu trách nhiệm về mặt hình sự đối với từng cá nhân, và các đơn vị khác sẽ chịu trách nhiệm liên đới về bồi thường dân sự.