Vụ shipper bị cướp cả xe và hàng: Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Chủ đề   RSS   
  • #610857 23/04/2024

    phucpham2205
    Top 500
    Lớp 5

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (374)
    Số điểm: 6871
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 143 lần


    Vụ shipper bị cướp cả xe và hàng: Trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

    Ngày 21/4/2024, một nam shipper đã bị trộm xe máy kèm theo hàng chục đơn hàng để trên xe. Vậy trong trường hợp này, ai sẽ là người đền số đơn hàng nói trên? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

    Theo Báo tuổi trẻ có đưa tin, trưa ngày 21/4/2024, một nam shipper giao hàng tên S. (34 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) chạy xe máy chở theo hàng đi trên khu vực phường Long Thạnh Mỹ, Thành phố Thủ Đức. Người này tấp xe máy vào một quán cơm tấm thì chủ quán báo "hết chả" nên anh đi qua quán phở bên cạnh ăn mà không chạy xe máy theo và cũng để chìa khóa trên xe. 

    Trong lúc anh S. đang ăn thì có hai nam thanh niên đi cùng xe máy, người ngồi sau bước xuống xe, tiến tới tiếp cận xe anh S. Chỉ trong tích tắc 12 giây, kẻ gian tiếp cận xe anh S. rồi lấy xe bỏ chạy cùng hàng chục đơn hàng trên xe, tổng những đơn hàng này trị giá khoảng 11 triệu đồng.

    Người dân thấy xe bị trộm thì đuổi theo nhưng không được vì kẻ trộm hành động quá nhanh. Vụ việc sau đó được anh S. trình báo cho công an và công ty giao hàng. Hiện vụ việc đang được công an điều tra.

    (1) Trách nhiệm bồi thường của Công ty

    Theo quy định tại Điều 597 Bộ Luật Dân sự 2015 về Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra như sau:

    Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

    Tuy nhiên, nguyên tắc bồi thường thiệt hại nêu trên còn phải căn cứ dựa trên nhiều yếu tố. Đồng thời, phải đảm bảo được nguyên tắc bồi thường kịp thời theo quy định tại Khoản 1 Điều 585 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

    “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

    Theo đó, trường hợp người shipper gây ra thiệt hại trong khi đang thực hiện công việc được công ty giao thì dù người shipper có lỗi hay không, pháp nhân vẫn có trách nhiệm phải bồi thường cho người bị hại (khách hàng đặt đơn). Vì lẽ đó, để đảm bảo kịp thời cho quyền lợi của khách hàng, công ty mà nam shipper bị mất cả xe lẫn hàng trong trường hợp này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với 80 đơn hàng bị mất. 

    (2) Trách nhiệm bồi thường của shipper

    Người shipper trong trường hợp này có trách nhiệm phải đảm bảo giữ gìn số hàng hóa mà công ty bàn giao và đưa nó đến tay của khách hàng. Theo đó, việc mất hàng hóa trong quá trình vận chuyển là 01 trong những rủi ro mà nam shipper phải nhận biết được nên sẽ không được xem việc mất cắp này là 01 sự kiện khách quan không thể lường trước.

    Như vậy, trong trường hợp này, người shipper có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với số hàng hóa được phía công ty bàn giao theo quy định tại Điều 597 Bộ Luật Dân sự 2015 như đã nêu tại mục (1) và Khoản 2 Điều 129 Bộ Luật Lao động 2019 như sau:

    “2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.”

    Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy người shipper trong trường hợp này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường hoặc nội quy lao động của công ty. Trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm.

    Tuy nhiên, mức bồi thường nêu trên phải được căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế cũng như hoàn cảnh gia đình, nhân thân và tài sản của người shipper để đưa mức hợp lý (Điều 130 Bộ Luật Lao động 2019).

     
    63 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận