Xôn xao dư luận gần đây vụ việc một nam sinh lớp 8 bị đánh đến chết não. Vậy trong trường hợp chết não này, theo pháp luật có được xem như đã chết không? Gia đình của nghi phạm trong vụ việc nêu trên có khả năng phải chịu hậu quả pháp lý gì? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
(1) Chết não theo pháp luật có được tính là đã chết không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 9 Điều 3 Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác 2006 định nghĩa về chết não như sau:
“Chết não là tình trạng toàn não bộ bị tổn thương nặng, chức năng của não đã ngừng hoạt động và người chết não không thể sống lại được.”
Đồng thời, tại Điểm c Khoản 1 Điều 71 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về tuyên bố đã chết đối với một người như sau:
“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
…
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
…”
Từ những quy định nêu trên, có thể thấy, sau khi được chẩn đoán là đã chết não, Người có quyền, lợi ích liên quan đến bệnh nhân sau 02 năm tính từ thời điểm gặp tai nạn có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết về mặt pháp lý.
(2) Gia đình của nghi phạm trong vụ việc có khả năng phải chịu hậu quả pháp lý gì?
Đối với nghi phạm:
Theo những tình tiết hiện được cung cấp từ phía Công an, việc bước đầu xem xét trách nhiệm của nghi phạm về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 là có cơ sở.
Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, căn cứ theo Điều 12 Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” trong trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Mà theo quy định tại Điều 9 Luật Hình sự 2015 thì tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt là từ trên 07 năm tới 15 năm tù còn tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có khung hình phạt cao nhất từ trên 15 năm tù tới tử hình.
Kế đến theo quy định tại Thông tư 22/2019/TT-BYT có đề cập đến trường hợp người bị hành hung dẫn tới chấn thương sọ não, gây di chứng sống kiểu thực vật, mức độ tổn hại sức khỏe được xác định là 99%. Theo đó, đối chiếu mức xử phạt cho hành vi cố ý gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên hoặc làm chết người.
Như vậy, trường hợp kết quả giám định của Trung tâm pháp y Hà Nội phản ánh đúng tình trạng của nạn nhân, thì nghi phạm trong trường hợp này được xếp vào nhóm tội phạm rất nghiêm trọng theo Khoản 3 hoặc Khoản 4 Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 với mức phạt áp dụng lần lượt là từ 05 đến 10 năm và 07 đến 14 năm tù.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, những thông tin về nghi phạm vẫn chưa chính thức được công bố. Chính vì thế, tại đây sẽ xảy ra 02 trường hợp như sau:
Trường hợp 01: Nghi phạm chưa đủ 16 tuổi, căn cứ Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015 về việc áp dụng mức phạt bằng ½ khung hình phạt tù của tội danh bị truy tố, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là 05 năm (khoản 3) và 07 năm tù (khoản 4).
Trường hợp 02: Nghi phạm đã đủ 16 tuổi, mức phạt tối đa áp dụng sẽ tương đương ¾ khung hình phạt của tội danh bị truy tố, có nghĩa là 07 năm 6 tháng tù và 10 năm 6 tháng tù.
Đối với em trai của nghi phạm (12 tuổi):
Đối với trường hợp này, Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ như sau:
Theo quy định tại Điều 12 Bộ Luật Hình sự 2015, độ tuổi tối thiểu phải chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi. Với trường hợp người dưới 14 tuổi thực hiện các hành vi có dấu hiệu phạm tội, việc xử lý hình sự sẽ không được nhắc tới. Tuy nhiên vẫn có thể áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương.
Cụ thể, Khoản 1 Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định người từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015 thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Còn theo quy định tại Khoản 1 Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu hành vi có dấu hiệu của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015, người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại thì cha, mẹ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho con theo quy định của pháp luật. Theo đó, do em trai của nghi phạm hiện chưa đủ 14 tuổi cho nên trách nhiệm hình sự sẽ không được bàn tới. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn sẽ tiến hành lấy lời khai, xác minh vai trò của người em trai trong vụ án để đánh giá về tính chất, mức độ hành vi của thiếu niên này. Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy hành vi có dấu hiệu phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương hoặc nặng hơn là đưa vào trường giáo dưỡng.
Đối với bố của nghi phạm:
Theo chia sẻ của Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) qua nhìn nhận những thông tin được phía cảnh sát thì tính đến thời điểm hiện tại hoàn toàn chưa có cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự đối với bố của nghi phạm. Tuy nhiên, Luật sư cũng nhấn mạnh rằng đây mới là lời khai ban đầu, chưa thể hiện một cách toàn diện, khách quan vụ việc.
Việc xem xét trách nhiệm hình sự sẽ được đề cập nếu có cơ sở cho thấy bố của nghi phạm tạo điều kiện về mặt vật chất hoặc tinh thần để nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội hoặc biết nghi phạm thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội Giết người (nếu cơ quan điều tra chuyển tội danh sang Giết người) nhưng cố tình che giấu, không tố giác hoặc thấy nạn nhân trong trường hợp nguy hiểm về tính mạng mà không cứu giúp, dẫn tới hậu quả chết người xảy ra. Nếu như không thuộc các trường hợp như đã nêu trên thì trách nhiệm hình sự của người bố sẽ không được bàn tới.
Tuy nhiên, vì là bố của nghi phạm, người này có trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình phía bị hại. Việc bồi thường sẽ dựa trên tài sản hiện có của nghi phạm, đối với phần nghĩa vụ bồi thường nằm ngoài phạm vi giá trị tài sản của nghi phạm thì người bố trong trường hợp này có trách nhiệm bồi thường thay cho con trai.