>Bác sĩ Trung tâm Cát Tường vứt xác nạn nhân: Truy tố tội gì?
Ngày 31/10/2013, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Mạnh Tường Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường để điều tra về các hành vi: Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 242 BLHS) và hành vi xâm phạm thi thể (Điều 246 BLHS).
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm được xác chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân của vụ án). Như vậy, chưa chứng minh được hành vi phạm tội xảy ra, ai là người thực hiện hành vi phạm tội nên chưa thể truy tố Nguyễn Mạnh Tường.
Điều 63. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự (BLTTHS)
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
Hiện tại, những thông tin cho rằng ông Tường đã phẩu thuật thẩm mỹ làm nạn nhân Huyền chết, sau đó vứt xác nạn nhân đều dựa chủ yếu vào lời khai của ông Tường và Đào Quang Khánh (bảo vệ) còn thực tế chưa một ai chứng minh được thông tin đó là đúng sự thật.
- Chị Huyền còn sống hay đã chết? Nếu chết thì xác ở đâu? – Chưa có câu trả lời! Mà một khi chưa xác định được chị Huyền còn sống hay đã chết thì không thể truy cứu với tội danh theo điều 242 BLHS.
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (BLHS)
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
- Và càng không thể truy cứu với tội danh theo điều 246 BLHS.
Điều 246. Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (BLHS)
1. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật thì không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Điều 72. Lời khai của bị can, bị cáo (BLTTHS)
2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án.
Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.
Như vậy, không tìm được xác nạn nhân Huyền thì không thể truy tố Nguyễn Mạnh Tường.