Thời gian gần đây, nhiều vụ vỡ nợ tín dụng đen lên đến hàng trăm tỷ đồng gây bàng hoàng dư luận. Với chiêu thức huy động vốn với lãi suất cao, rồi sau đó tuyên bố vỡ hụi hoặc bỏ trốn.
Để rồi chuyện đau lòng xảy ra: chủ nợ mất trắng thậm chí trở thành con nợ (vì nhiều người huy động vốn từ bạn bè, người thân … để cho tín dụng đen vay lại với lãi suất cao), và sau đó là cả những hệ lụy kéo theo.
Tất cả đều do lòng tham và sự coi thường pháp luật sinh ra.
Ngay từ đầu chủ tín dụng đen đã thể hiện rõ lòng tham và coi thường pháp luật bằng ý đồ chiếm đoạt tài sản của người khác bằng trò gian dối “lãi suất cao”. Bởi một khi huy động vốn với lãi suất cao ngất ngưởng thì chẳng có cách nào để tạo ra một giá trị tăng thêm đủ để trả lại số vốn đã huy động.
Còn người cho vay thì bị lòng tham che mờ lý trí nên sẵn sàng đưa tiền cho chủ tín dụng đen để nhận về tờ giấy "bảo đảm" như không có gì.
* Vậy ai là người có tội trong những vụ vỡ tín dụng đen này?
Chủ tín dụng đen tội gì thì mọi người cũng biết, còn người cho vay trong trường hợp này dính phải hai tội là “tội nghiệp” và “tội cho vay nặng lãi”.
Điều 476. Bộ luật Dân sự 2005
1. Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Điều 163. Bộ luật Hình sự 1999
1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
|