Vợ thuê người điều tra theo dõi chồng có vi phạm quy định pháp luật không?

Chủ đề   RSS   
  • #607357 08/12/2023

    Vợ thuê người điều tra theo dõi chồng có vi phạm quy định pháp luật không?

    Vợ thuê thám tử điều tra theo dõi chồng có vi phạm quy định pháp luật không? Kinh doanh dịch vụ thám tử có vi phạm? Mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc điều tra theo dõi người khác ra sao?

    Vợ thuê thám tử điều tra theo dõi chồng có vi phạm quy định pháp luật không?

    Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

    - Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

    -Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

    -Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

    Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

    - Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Ngoài ra, tại Điều 18 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định Quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng quy định tại Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan được tôn trọng và bảo vệ.

    Theo đó, Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là vi phạm pháp luật và tùy theo mức độ vi phạm mới bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Kinh doanh dịch vụ thám tử có vi phạm? 

    Căn cứ Quyết định 27/2018/QĐ-TTg quy định:

    Mã ngành 803 - 8030 - 80300: Dịch vụ điều tra

    Nhóm này gồm: Dịch vụ điều tra và thám tử. Các hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân, thuộc các loại khách hàng hoặc mục đích điều tra đều nằm trong nhóm này.

    Dịch vụ điều tra và thám tử được xem là một trong những ngành, nghề thuộc Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, nằm trong nhóm các hoạt động điều tra bảo vệ an toàn.

    Theo đó, hoạt động thám tử, điều tra, theo dõi vẫn được xem là một ngành nghề hợp pháp tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều tra, theo dõi người khác phải không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, bí mật cá nhân, gia đình của họ. 

    Trường hợp người không hành nghề thám tử, nhưng có hành vi theo dõi người khác cũng phải đảm bảo nguyên tắc nêu trên. Đồng thời việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

    Như vậy, Mặc dù nghề thám tử điều tra được xem là hợp pháp tại Việt Nam, nhưng nếu việc điều tra, theo dõi sau đó có hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của cá nhân có thể vi phạm.

     Mức xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến việc điều tra theo dõi người khác ra sao?

    Tại  điểm a khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    Tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng trong đó có trường hợp:

    Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

    Tại  Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP và được sử đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân:

    -Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

    + Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

    - Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

    + Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

    + Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;

    +Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

    - Biện pháp khắc phục hậu quả:

    Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.

    Như vậy, người có hành vi sử dụng trái phép thông tin cá nhân của người khác sẽ bị phạt lên đến 60 triệu đồng, đồng thời có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm. 

    Lưu ý: Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân nêu trên áp dụng đối với tổ chức. Mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).

     
    623 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận