Vợ giám đốc cho công ty giám đốc thuê nhà thì có phải là giao dịch liên kết không?

Chủ đề   RSS   
  • #612495 07/06/2024

    lamtuyet9366
    Top 500
    Lớp 2

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:04/05/2024
    Tổng số bài viết (265)
    Số điểm: 3374
    Cảm ơn: 1
    Được cảm ơn 142 lần


    Vợ giám đốc cho công ty giám đốc thuê nhà thì có phải là giao dịch liên kết không?

    Giao dịch liên kết là gì? Vợ giám đốc cho công ty giám đốc thuê nhà thì có phải là giao dịch liên kết không? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc này dựa trên các quy định hiện hành.

    Giao dịch liên kết là một trong những vấn đề phức tạp trong lĩnh vực thuế và tài chính doanh nghiệp. Trong kinh doanh, việc xác định các giao dịch liên kết và tuân thủ các quy định liên quan là rất quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và tránh rủi ro pháp lý.

    (1) Vợ giám đốc cho công ty giám đốc thuê nhà thì có phải là giao dịch liên kết không?

    Căn cứ theo khoản 22 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết.

    Các bên có quan hệ liên kết (sau đây viết tắt là “bên liên kết”) là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý thuế năm 2019

    - Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia.

    - Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.

     

    Theo khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý thuế năm 2019, các bên liên kết tại khoản 1 điều này được quy định cụ thể như sau:

    - Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia.

    - Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.

    - Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia.

    - Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

    - Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai.

    - Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba.

    - Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột.

    - Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

    - Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp.

    - Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia.

    - Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản 2.

    Như vậy, đối với việc vợ của giám đốc là chủ sở hữu riêng căn nhà, cho công ty của giám đốc thuê nhà không thuộc vào các trường hợp quy định trên nên đây không phải là giao dịch liên kết.

    (2) Nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết

    Căn cứ khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế năm 2019 thì nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau:

    - Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;

    - Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế.

    - Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định nêu trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

    Khi phát sinh giao dịch liên kết, các doanh nghiệp phải thực hiện việc kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III Nghị định 132/2020/NĐ-CP và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo khoản 3 Điều 18 Nghị định 132/2020/NĐ-CP

    Xem và tải Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III tại đây:https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/06/07/phu-luc-1.doc

    Theo điểm d khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, đối với hành vi không nộp các phụ lục theo quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết kèm theo hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 08 -15 triệu đồng. 

    Ngoài xử phạt hành chính, các công ty, doanh nghiệp còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế và buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm căn cứ khoản 6 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP 

    Tóm lại, đối với việc vợ của giám đốc là chủ sở hữu riêng căn nhà, cho Công ty của giám đốc thuê nhà không thuộc vào trường hợp quy định nên không được xem là giao dịch liên kết.

    Bên cạnh đó, trường hợp doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết thì phải thực hiện kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết, trong trường hợp không thực hiện đúng theo quy định pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 08 - 15 triệu đồng và có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

     
    399 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận