Vợ chồng sau khi kết hôn thì có bắt buộc phải đeo nhẫn cưới hay không? Việc kết hôn giữa nam và nữ phải đáp ứng những điều kiện nào?
1. Vợ chồng có bắt buộc phải đeo nhẫn cưới sau kết hôn?
Tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tình nghĩa của vợ chồng như sau:
- Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
- Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Như vậy, theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì không có bất cứ quy định nào liên quan đến việc bắt buộc vợ chồng sau khi kết hôn phải mang nhẫn cưới và cũng không có chế tài xử phạt nào liên quan. Đồng thời, xét về mặt pháp luật thì nhẫn cưới không phải là cơ sở để chứng minh quan hệ hôn nhân như giấy chứng nhận kết hôn.
Do đó, việc lựa chọn đeo nhẫn cưới hay không đeo sau khi kết hôn sẽ phụ thuộc vào sự quyết định của cả hai vợ chồng.
2. Có những điều kiện kết hôn nào, việc đăng ký kết hôn được quy định ra sao?
Nam nữ trước khi kết hôn phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định.
- Không bị mất năng lực hành vi dân sự.
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Lưu ý: Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
(Căn cứ Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
Bên cạnh đó, khi đáp ứng các điều kiện được kết hôn nêu trên thì nam và nữ thực hiện đăng ký kết hôn theo như quy định sau:
(i) Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
(ii) Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.
(Căn cứ Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)
Như vậy, trước khi kết hôn thì nam và nữ phải đáp ứng những điều kiện được kết hôn theo quy định của pháp luật và thực hiện việc đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
3. Chế độ hôn nhân và gia đình có những nguyên tắc nào?
Căn cứ Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình bao gồm:
(i) Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
(ii) Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
(iii) Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
(iv) Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
(v) Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.
Như vậy, trong quan hệ hôn nhân và gia đình thì vợ chồng cần xây dựng hạnh phúc gia đình dựa trên những nguyên tắc nêu trên. Bên cạnh đó, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ, cùng nhau xây dựng và phát triển chế độ hôn nhân hạnh phúc bền vững.