Đào tạo, bồi dưỡng là việc trang bị kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ khi hoạt động nghề nghiệp của viên chức, vậy nếu không hoàn thành việc đào tạo, bồi dưỡng có phải đền bù?
Điều kiện để viên chức được cử đi đào tạo là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP thì việc đào tạo viên chức chỉ quy định về đào tạo trình độ sau đại học, không như cán bộ, công chức. Đối với cán bộ, công chức thì sẽ bao gồm đào tạo các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và trình độ sau đại học.
Về điều kiện đào tạo sau đại học đối với viên chức thì phải đáp ứng được những điều kiện sau: (i) Đã kết thúc thời gian tập sự (nếu có); (ii) Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo; (iii) Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Học lý luận chính trị là bồi dưỡng hay đào tạo?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 101/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP) thì lý luận chính trị là một trong những nội dung bồi dưỡng đối với viên chức. Theo quy định này thì ta xác định được chương trình lý luận chính trị là chương trình bồi dưỡng chứ không phải là chương trình đào tạo.
Viên chức có phải tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị không?
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định 101/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 4 Điều 1 Nghị định 89/2021/NĐ-CP) có đưa ra chương trình, tài liệu bồi dưỡng lý luận chính trị theo tiêu chuẩn chức danh của viên chức.
Đồng thời, theo tại khoản 3 Điều 18 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định viên chức phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trước khi bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp.
Như vậy, tùy vào chức danh nghề nghiệp mà viên chức được bổ nhiệm thì sẽ phải thực hiện tham gia lớp bồi dưỡng lý luận chính trị theo quy định.
Vậy khi tham gia lớp bồi dưỡng lý luận chính trị khi không hoàn thành lớp học có phải bồi hoàn, đền bù chi phí đào tạo hay không?
Theo Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định về việc đền bù chi phí đào tạo, cụ thể:
Viên chức, công chức, cán bộ được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
(ii) Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
(iii)Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.
Đồng thời, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP thì thời gian cam kết hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.
Tuy nhiên, như đã phân tích trên thì tham gia lớp lý luận chính trị là tham gia bồi dưỡng chứ không phải là đào tạo. Đồng thời, việc bồi hoàn, đền bù chi phí chỉ áp dụng đối với việc đào tạo mà không áp dụng đối với việc bồi dưỡng. Như vậy, việc tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị mà không hoàn thành (bỏ học, chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo, không được cấp chứng chỉ hoàn thành,…) thì mình không phải thực hiện đền bù.