Viên chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị này. Vậy giữa hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động có gì khác nhau? Viên chức đã ký hợp đồng làm việc rồi có được ký hợp đồng lao động không? Bài viết sau sẽ giải đáp vấn đề này.
Hợp đồng làm việc - Ảnh minh họa
Phân biệt hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc
Hợp đồng lao động và hợp đồng làm việc là hai khái niệm thường bị nhầm lẫn nhất. Để dễ dàng phân biệt hai loại hợp đồng này bạn có thể tham khảo bảng phân biệt chi tiết dưới đây:
Tiêu chí
|
Hợp đồng lao động
|
Hợp đồng làm việc
|
Khái niệm
|
Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. (Điều 15)
|
Hợp đồng làm việc là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa viên chức hoặc người được tuyển dụng làm viên chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. (Khoản 5 Điều 2)
|
Loại hợp đồng
|
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng
(Điều 22)
|
- Hợp đồng làm việc xác định thời hạn
- Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn
(Điều 25)
|
Hình thức
|
- Bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản
- Bằng lời nói với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng
(Điều 16)
|
Bằng văn bản và được lập thành 03 bản, trong đó 01 bản giao cho viên chức
(Khoản 2 Điều 26)
|
Đối tượng ký kết
|
Người lao động và người sử dụng lao động
|
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và người được tuyển dụng làm viên chức
|
Nội dung hợp đồng
|
Việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động
|
Vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc quyền và nghĩa vụ của mỗi bên
|
Mẫu hợp đồng
|
Không bắt buộc
|
Ban hành kèm Thông tư 03/2019/TT-BNV
|
Căn cứ pháp lý
|
Bộ luật Lao động 2012
|
Luật viên chức 2010
|
Viên chức làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc
Theo khoản 2 Điều 2 Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 thì khi được tuyển dụng, viên chức ký hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập để thỏa thuận về vị trí việc làm, tiền lương, chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Viên chức thực hiện 02 loại hợp đồng làm việc
- Hợp đồng không xác định thời hạn: Là hợp đồng mà hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực, áp dụng với người được tuyển dụng trước 01/7/2020; cán bộ, công chức chuyển sang viên chức; viên chức được tuyển dụng làm việc tại vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn;
- Hợp đồng xác định thời hạn: Là hợp đồng hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực trong thời gian từ đủ 12 - 60 tháng, áp dụng với người được tuyển dụng vào viên chức kể từ ngày 01/7/2020.
Như vậy, khác với người lao động, viên chức không ký hợp đồng lao động khi làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập mà thực hiện theo chế độ hợp đồng làm việc.
Như vậy, Viên chức có được ký hợp đồng lao động để làm ngoài?
Theo quy định tại Điều 14 Luật Viên chức năm 2010, về hoạt động kinh doanh và làm việc ngoài thời gian quy định, viên chức có quyền:
- Được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
- Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Căn cứ quy định trên ta có thể kết luận viên chức hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động với một công ty khác ngoài đơn vị sự nghiệp công lập mà mình đang công tác.
Viên chức được ký hợp đồng lao động ngoài nhưng phải đảm bảo các điều kiện theo quy định
Viên chức phải lưu ý chỉ được làm ngoài thời gian làm việc nêu trong hợp đồng làm việc, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp và nội dung công việc không vi phạm điều cấm của luật.
Đồng thời, Điều 19 Luật Viên chức quy định những việc viên chức không được làm không hạn chế quyền được ký kết hợp đồng lao động để làm thêm với các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc; tham gia đình công.
- Đặc biệt, nếu là viên chức có chức vụ, quyền hạn thì còn phải đáp ứng các quy tắc ứng xử nêu tại Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018. Khi đó, viên chức không được làm những việc sau nhằm đảm bảo liêm chính, trách nhiệm, đạo đức công vụ:
+ Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;
+ Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác;
+ Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
+ Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
+ Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Trên đây là toàn bộ giải đáp về vấn đề Viên chức có được ký hợp đồng lao động ngoài với doanh nghiệp khác không phải đơn vị sự nghiệp công lập mình đang làm việc.