Vì sao lại không nên “phông bạt” trong CV ứng tuyển?

Chủ đề   RSS   
  • #617187 07/10/2024

    motchutmoingay24
    Top 75
    Lớp 12

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:16/03/2024
    Tổng số bài viết (1129)
    Số điểm: 19064
    Cảm ơn: 22
    Được cảm ơn 408 lần


    Vì sao lại không nên “phông bạt” trong CV ứng tuyển?

    Nhiều người cho rằng việc tô vẽ thêm một chút kinh nghiệm hay kỹ năng sẽ giúp họ tăng cơ hội được tuyển dụng. Tuy nhiên, liệu cách làm này có thực sự hiệu quả và mang lại những lợi ích lâu dài?

    (1) “Phông bạt” trong CV là gì?

    “Phông bạt” trong CV (hồ sơ xin việc) là việc các ứng viên tô vẽ, “phóng đại” thêm một chút về kinh nghiệm hay kỹ năng của mình trong hồ sơ ứng tuyển việc làm, nhằm mục đích cho hồ sơ đẹp hơn, thu hút nhà tuyển dụng hơn, và từ đó nâng cao khả năng có việc làm hơn.

    Trong thị trường việc làm cạnh tranh cao như hiện nay, nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực và muốn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng nên đã chọn cách “phông bạt” trong CV ứng tuyển việc làm.

    Tuy nhiên, việc "phóng đại", “phông bạt” về năng lực tưởng chừng không sao này lại gây ra không ít hậu quả cho doanh nghiệp và chính ứng viên đó.

    Đơn cử như khi một doanh nghiệp cần tuyển một nhân viên bán hàng thì nhận được CV rất phù hợp từ kinh nghiệm làm việc đến những kỹ năng mà ứng viên có, nhưng đến khi vào thì ứng viên không làm được việc mà chính người này đã “phông bạt trong CV.

    Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không chỉ mất thời gian và chi phí tuyển dụng mà còn đối diện với rủi ro về hiệu suất làm việc và uy tín thương hiệu khi một nhân viên không đủ khả năng có thể làm giảm năng suất của cả đội ngũ, gây ảnh hưởng đến các mục tiêu kinh doanh và sự hài lòng của khách hàng.

    Hơn nữa, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, việc kiểm tra thông tin trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể xác minh thông tin một cách nhanh chóng thông qua mạng xã hội hoặc các nền tảng chuyên nghiệp như LinkedIn hoặc gọi trực tiếp để kiểm tra chéo tại công ty cũ của ứng viên.

    Khi sự thật về kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên bị phát hiện, ứng viên có thể phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng như bị sa thải hoặc mất cơ hội thăng tiến trong tương lai. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp mà còn làm tổn hại đến danh tiếng cá nhân trong ngành nghề.

    Có thể thấy, việc “phông bạt” trong CV không chỉ là một hành động thiếu trung thực mà còn thể hiện sự thiếu tự tin của ứng viên về khả năng của chính mình.

    Thay vì phóng đại, ứng viên nên tập trung vào việc phát triển kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, từ đó xây dựng một hồ sơ xin việc chân thực và ấn tượng. Một CV trung thực, mặc dù có thể không hoàn hảo, nhưng lại thể hiện được sự tự tin và tính cách của ứng viên, từ đó tạo dựng được niềm tin với nhà tuyển dụng.

    (2) Hậu quả của việc “phông bạt” trong CV ứng tuyển

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

    Cùng với đó, theo quy định điểm a và điểm g tại khoản 1 Điều 36 Bộ Luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp: 

    - Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động.

    -  Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Bộ Luật Lao động 2019 khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.

    Chiếu theo các quy định trên, có thể thấy rằng việc “phông bạt” không chỉ là hành động thiếu trung thực mà còn vi phạm pháp luật.

    Nếu nhà tuyển dụng phát hiện ứng viên đã cung cấp thông tin sai lệch, họ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này không chỉ gây ra thiệt hại cho ứng viên về mặt tài chính mà còn làm tổn hại đến danh tiếng cá nhân trong ngành, tạo ra một rào cản lớn cho những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

    Ngoài ra, việc “phông bạt” cũng có thể dẫn đến những hệ lụy khác như sự mất lòng tin từ phía đồng nghiệp và cấp trên. Một ứng viên không trung thực sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ làm việc tốt đẹp và có thể bị cô lập trong môi trường làm việc.

    Việc “phông bạt” trong CV ứng tuyển có thể mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng lại gây ra nhiều hậu quả lâu dài và nghiêm trọng.

    Sự trung thực và chính trực không chỉ là những yếu tố quyết định thành công trong sự nghiệp mà còn là nền tảng cho một môi trường làm việc tích cực và bền vững. Ứng viên nên nhận thức rõ rằng sự phát triển bền vững đến từ việc xây dựng một hình ảnh chân thực và đáng tin cậy, từ đó mở ra nhiều cơ hội hơn trong tương lai.

     
    66 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận