Thời gian gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ án mạng nghiêm trọng mà thủ phạm là những người bị bệnh tâm thần. Điều đáng nói là nhiều nạn nhân trong các vụ án này hoàn toàn không quen biết hay thù hằng gì với các đối tượng. Vậy việc xử lý người tâm thần phạm tội được thực hiện như thế nào?
1. Tâm thần là gì?
Tâm thần là bệnh lý có liên quan đến một loạt các rối loạn sức khỏe tâm thần dẫn đến suy nghĩ, hành vi và tác phong không phù hợp. Trong đó, nặng nhất là mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
2. Các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình
Thời điểm hiện nay còn 18 tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015 áp dụng hình phạt tử hình, trong đó có tội giết người (Điều 123).
3. Vì sao lại không tử hình người bị tâm thần?
Theo chương IV BLHS 2015, một trong những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự là tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21). Theo đó, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp, một người trong lúc phạm tội bị mất năng lực hành vi nhưng sau đó trở lại trạng thái bình thường. Theo quy định tại Điều 21 BLHS 2015, thì trường hợp này đã rơi vào tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự, việc quy định không truy cứu trách nhiệm hình sự người bị tâm thần sẽ không bằng cho những đối tượng tội phạm khác. Quan điểm này chưa đúng. Bởi vì người tâm thần không thể nhận thức đầy đủ được hành vi của mình có tính chất nguy hiểm, cũng như hậu quả của hành vi do mình gây ra cho xã hội.
Chúng ta có thể phẫn nộ với những gì tồi tệ mà người tâm thần gây ra nhưng họ thực sự không đáng trách. Người tâm thần vốn chịu nhiều thiệt thòi tinh thần, vật chất, bị xã hội xa lánh không có điều kiện chữa bệnh, thiếu người chăm sóc,bị kẻ xấu kích động,... việc họ gây án cũng một phần do cơ quan chức năng quản lý chưa tốt. Vì vậy, dù hậu quả có phần nghiêm trọng nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tâm thần. Đương nhiên khi đã miễn trách nhiệm hình sự thì dù họ có phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như Tội giết người thì sẽ không bị tử hình.
Tuy nhiên, giám định tâm thần hiện nay còn nhiều bất cập. Một là, chi phí cho việc trưng cầu giám định tâm thần lớn. Hai là, cơ sở vật chất, năng lực của người giám định chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến công tác giám định tâm thần.
4. Nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý ra sao?
Về vấn đề này, Điều 49 BLHS 2015 có quy định:
- Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ luật Hình sự, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
- Đối với trường hợp người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều 49 của BLHS 2015 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.
Không ít đối tượng phạm tội giở thủ đoạn giả điên hòng trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Nhiều đối tựợng khẳng định bị tâm thần, nhưng thực chất hoàn toàn bình thường. Đối với trường hợp này, cơ quan chức năng phải giám định tâm thần lại nhiều lần và kiên quyết đấu tranh đến cùng với tội phạm. Nhằm tránh bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm minh, nhằm đảm bảo pháp luật thực thi.
5. Trách nhiệm dân sự
Quy định pháp luật hình sự chỉ miễn trách nhiệm hình sự, còn về trách nhiệm dân sự, người bị tâm thần vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của pháp luật dân sự.
Phần lớn bệnh nhân tâm thần hiện nay chủ yếu do gia đình chăm sóc, quản lý và đang tự do sinh hoạt, đi lại trong cộng đồng. Trường hợp gia đình không phát hiện hoặc không thể ngăn chặn kịp thời hành vi của các đối tượng thì sẽ nguy hiểm khôn lường. Vì vậy, nếu đã không thể “loại bỏ khỏi xã hội” thì cần phải có biện pháp quản lý, điều trị nhằm đảm bảo an toàn cho tài sản, sức khoẻ và tính mạng của cộng đồng xã hội.
Pháp luật vô hình, tuy không thể thấy nhưng phải biết!