Chữ ký và điểm chỉ (dấu vân tay) là một trong những dấu hiệu xác thực từ người thực hiện để đảm bảo hơn việc người tham gia hợp đồng giao dịch. Bởi không ít trường hợp các bên sau khi ký vào các hợp đồng, giao dịch nhưng sau đó vì lý do, mục đích nhất định đã chối bỏ, phủ nhận chữ ký của mình nên xảy ra tranh chấp.
Vừa qua, sự việc một cựu cán bộ công chức trong thi hành nhiệm vụ đã giả mạo chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng đất và đang được khởi tố. Điều này gây ra rất nhiều thiệt hại cho những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, vậy tội giả mạo chữ ký sẽ bị xử lý ra sao?
Giả mạo chữ ký là gì?
Trước tiên chữ ký được hiểu như sau: Đây là một dạng chữ viết, ký tự mà nói lên được tên, biệt danh hay đặc điểm và trở thành một dấu ấn của một người. Chữ ký thường được dùng trong các văn bản, hợp đồng để chứng minh sự hiện diện của người đó.
Giả mạo chữ ký là hành vi mà người thực hiện thường là người có chức vụ, quyền hạn theo đó họ sẽ thực hiện hành vi tạo lập lại chữ ký của người khác nhằm mục đích vụ lợi. Hành vi này thường gây ra thiệt hại lớn cho những người có liên quan và cũng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Mức phạt tiền hành vi giả mạo chữ ký
Việc giả mạo chữ ký hiện nay được thực hiện rất tinh vi và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nên việc xử phạt cũng được quy định rất cụ thể. Một số ngành nghề nổi bật hiện nay trong việc giả mạo chữ ký có thể kể đến:
(1) Hoạt động công chứng, chứng thực
Cá nhân có hành vi giả mạo chữ trong hoạt động công chứng, chứng thực có thể bị xử phạt hành chính trong các trường hợp sau:
- Phạt tiền từ 25 triệu đồng - 35 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của công chứng viên và buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm (căn cứ điểm b khoản 6 Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP).
- Phạt 3 triệu đồng - 5 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực (căn cứ điểm a khoản 2 Điều 34 Nghị định 82/2020/NĐ-CP).
Lưu ý: Các mức phạt trên sẽ tăng 02 nếu người vi phạm là do tổ chức thực hiện.
(2) Hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm
Căn cứ khoản 2 Điều 54 Nghị định 82/2020/NĐ-CP cá nhân có hành vi giả mạo chữ ký trong hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt 3 triệu đồng - 5 triệu đồng đối với hành vi giả mạo chữ ký của người yêu cầu đăng ký trong phiếu yêu cầu đăng ký hoặc chữ ký trong văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải tỏa kê biên tài sản để thi hành án dân sự.
Ngoài ra, tịch thu tang vật là phiếu yêu cầu đăng ký, văn bản thông báo về việc kê biên hoặc giải tỏa kê biên tài sản để thi hành án dân sự.
Lưu ý: Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự cá nhân mức phạt tăng gấp 02 lần.
(3) Hoạt động kiểm toán
Hoạt động kế toán là một trong những lĩnh vực quan trọng, cá nhân giả mạo chữ ký trong hoạt động này có thể bị xử phạt căn cứ tại điểm d khoản 2 Điều 8 Nghị định 41/2018/NĐ-CP với mức phạt như sau:
Phạt 5 triệu đồng - 10 triệu đồng đối với hành vi chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký.
Đối với tổ chức có hành vi vi phạm tương tự mức phạt tiền gấp 02 lần so với cá nhân.
3. Truy cứu trách nhiệm hình sự tội giả mạo chữ ký
Hành vi giả mạo chữ ký mà được thực hiện bởi người có quyền hạn, chức vụ với mức độ vi phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì căn cứ theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 về tội giả mạo trong công tác sẽ có các khung hình phạt sau:
(1) Người nào vì vụ lợi thực hiện giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 01 năm - 05 năm.
(2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm - 10 năm:
- Có tổ chức.
- Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu.
- Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
(3) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm - 15 năm:
- Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 05 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả.
- Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
(4) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm - 20 năm:
- Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên.
- Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
(5) Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Như vậy, hành vi giả mạo chữ ký có thể xuất hiện ở nhiều lĩnh vực và với nhiều mức độ vi phạm khác nhau thì sẽ có nhiều khung hình phạt dành cho từng mức độ vi phạm đó. Việc vi phạm tội này có thể bị xử phạt lên đến 20 năm tù.