Khi CSGT phát hiện phương tiện đang di chuyển trên đường cao tốc vi phạm giao thông thì có được yêu cầu dừng lại để kiểm tra, xử lý không? Dừng xe trên cao tốc trong trường hợp nào sẽ không vi phạm pháp luật?
Các trường hợp nào được dừng xe trên cao tốc?
Theo Khoản 12 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008, đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định.
Theo quy định tại Điều 26 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về giao thông trên đường cao tốc như sau:
- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc ngoài việc tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ thì phải:
+ Khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc;
+ Khi ra khỏi đường cao tốc phải thực hiện chuyển dần sang làn đường phía bên phải, nếu có làn đường giảm tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi rời khỏi đường cao tốc;
+ Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường;
+ Không được cho xe chạy quá tốc độ tối đa và dưới tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu, sơn kẻ trên mặt đường.
- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải cho xe chạy cách nhau một khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hiệu.
- Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.
- Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Như vậy, người điều khiển được dừng xe tại các điểm quy định được dừng xe là lề đường bên phải hoặc làn xe dừng khẩn cấp trên đường cao tốc. Tuy nhiên, các điểm dừng xe này được sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như xe bị hư hỏng, người trên xe cần được cứu hộ y tế,...Người điều khiển xe không được dừng xe trên đường cao tốc mà không trong trường hợp khẩn cấp.
CSGT có được dừng xe kiểm tra khi phát hiện vi phạm trên cao tốc?
Theo Khoản 4 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về các trường hợp CSGT được yêu cầu dừng xe trên đường cao tốc như sau:
- Khi kiểm soát tại một điểm chỉ được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm tại các vị trí: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc;
- Khi tuần tra, kiểm soát cơ động chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp:
+ Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời;
+ Phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm;
+ Phòng, chống thiên tai, cháy nổ;
+ Cứu nạn, cứu hộ;
+ Tin báo, tố giác, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc;
+ Phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc.
Sau khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.
Như vậy, trong trường hợp vi phạm bình thường, CSGT chỉ được yêu cầu dừng phương tiện ở các nơi như khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc. Đối với các trường hợp phải dừng ở làn khẩn cấp, sau khi giải quyết xong vụ việc phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.
Chạy xe dừng không đúng quy định trên cao tốc bị xử lý thế nào?
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô
Theo Khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm d Khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy
Theo Khoản 6, Khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông.
Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng
Theo Khoản 6 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc.
Như vậy, đối với từng loại xe và từng hành vi sẽ có mức xử lý khác nhau. Mức xử phạt thấp nhất là 3 triệu đồng (đối với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng) và cao nhất là 12 triệu đồng (đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô) cho hành vi dừng xe trên cao tốc không đúng quy định.