Một thành viên Dân Luật thắc mắc về mức phạt vi phạm giao thông đường bộ như sau: “Vi phạm giao thông tại nội thành có bị phạt nặng hơn vi phạm tại ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh hay không?”.
Trả lời:
Trước đây, Nghị định 34/2010/NĐ-CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP có quy định về việc “Áp dụng thí điểm đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương”.
Từ ngày 01/01/2014, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được áp dụng theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP – Không còn quy định riêng về xử phạt vi phạm trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc “từ ngày 01/01/2014 vi phạm giao thông tại nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt như vi phạm tại các khu vực khác”.
Căn cứ điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (có hiệu lực từ 01/7/2013) thì Chính phủ không còn quyền quy định mức phạt dành riêng đối với vi phạm giao thông tại nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương mà Quốc hội đã trao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
Điều 23. Phạt tiền
1. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này.
Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.
2. Chính phủ quy định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể theo một trong các phương thức sau đây, nhưng khung tiền phạt cao nhất không vượt quá mức tiền phạt tối đa quy định tại Điều 24 của Luật này:
a) Xác định số tiền phạt tối thiểu, tối đa;
b) Xác định số lần, tỷ lệ phần trăm của giá trị, số lượng hàng hóa, tang vật vi phạm, đối tượng bị vi phạm hoặc doanh thu, số lợi thu được từ vi phạm hành chính.
3. Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều này.
Theo đó, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khung tiền phạt và mức tiền phạt tại Nghị định 171, yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương có thể có thể quyết định khung tiền và mức phạt cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, đến nay Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chưa ban hành khung tiền phạt hay mức tiền phạt áp dụng riêng cho hành vi vi phạm tại khu vực nội thành thì tạm thời áp dụng quy định chung của Nghị định 171. Nghĩa là, vi phạm giao thông tại nội thành phạt như vi phạm tại ngoại thành.