>>> Vi bằng và những điều cần biết
>>> Phân biệt vi bằng và văn bản công chứng
Trong thời gian qua, thực hiện hướng dẫn của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về hoạt động Thừa phát lại nói chung và hoạt động lập vi bằng nói riêng, trong đó một số quận, huyện đã cảnh báo Nhân dân không thực hiện các giao dịch về nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền giữa các bên.
Về vấn đề này, theo quy định của pháp luật, vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Thừa phát lại đang hành nghề tại các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được lập vi bằng ghi nhận những sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Về nội dung, vi bằng của Thừa phát lập chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, vi bằng không chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch; Thừa phát lại không được lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng, thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp...; khi lập vi bằng, Thừa phát lại có trách nhiệm giải thích cho người yêu cầu lập vi bằng hiểu rõ các quy định pháp luật về vi bằng và giá trị pháp lý của vi bằng.
Đồng thời, theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Thừa phát lại không được cố tình lập vi bằng việc mua bán nhà đất thông qua hình thức ghi nhận việc giao nhận tiền hoặc lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ những quy định trên cho thấy, vi bằng của Thừa phát lại không phải văn bản công chứng, chứng thực; vi bằng không xác nhận các hợp đồng, giao dịch và không có giá trị thay thế văn bản công chứng, chứng thực; vi bằng của Thừa phát lại là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Do đó, trong trường hợp Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hành vi giao nhận tiền của các bên thì vi bằng này chỉ có giá trị chứng minh bên này đã giao và bên kia đã nhận một khoản tiền (để tạo lập chứng cứ cho hành vi giao nhận tiền giữa các bên), vi bằng này không xác nhận hay chứng nhận đối với các giao dịch khác.
Trong thời gian qua, từ công tác kiểm tra, giải quyết việc đăng ký vi bằng của Thừa phát lại, Sở Tư pháp nhận thấy hầu hết các vi bằng do Thừa phát lại lập chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền giữa các bên, nội dung vi bằng không ghi nhận các giao dịch về chuyển nhượng nhà đất giữa các bên và theo quy định của pháp luật thì Sở Tư pháp cũng không đăng ký đối với các vi bằng ghi nhận việc chuyển nhượng nhà đất. Do đó, khi có nhu cầu chứng nhận các hợp đồng, giao dịch liên quan đến nhà đất, Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ các tổ chức hành nghề công chứng để được giải quyết theo thẩm quyền.
Mặt khác, khi có nhu cầu lập vi bằng để tạo lập nguồn chứng cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên hệ trực tiếp với các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (đính kèm danh sách) để thực hiện việc thỏa thuận với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng (việc thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản) và để được Văn phòng Thừa phát lại tư vấn, giải thích rõ về giá trị pháp lý của vi bằng.
Nguồn: Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh
Cập nhật bởi lamkylaw ngày 06/07/2019 03:44:39 CH