Góp ý sửa đổi Hiến pháp
( Chi tiết bản góp ý ngày 05.03.2013 trang 9)
Bài 1:
Có nên dùng cụm từ “xã hội chủ nghĩa” không?
Theo Chủ nghĩa Mác – Lênin, lịch sử xã hội loài người đã và sẽ qua 5 chế độ : chế độ Công xã nguyên thủy ; chế độ chiếm hữu nô lệ; chế độ phong kiến; chế độ tư bản chủ nghĩa; chế độ xã hội chủ nghĩa, có sách gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học (mà giai đoạn cao là chế độ cộng sản chủ nghĩa ).
Như vậy lịch sử ấy chỉ duy nhất có một con đường và một cái đích, không có ngả rẻ, cũng không có ngả ba nào cả. Trước đây ta thường nói, giải phóng dân tộc xong, dân tôc ta đứng trước ngả ba đường. Theo tôi nói như thế là sai vì theo Mác thì không có ngả ba nào cả. Ngày nay ta lại nó định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo tôi nói như thế là thừa, và mơ hồ về học thuyết Mac, vì theo Mác tất cả đều đi về hướng đó, không cần phải định hướng gì cả. Hiện nay một số nước tư bản phát triển đã đi gần đến cái đích đó.
Hiện nay trên thế giới có 5 nước tự cho mình là chế độ xã hội chủ nghĩa, mặc dù cơ sở hạ tầng ( kinh tế ) chưa có là bao…, gồm Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Cộng Hòa Cu Ba, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Trung Hoa. Nhưng chỉ có tên nước Việt Nam biểu thị danh xưng xã hội chủ nghĩa! Điều đó có thể hiểu Việt Nam muốn cho thế giới biết Việt Nam là nước nổi bật, khác biệt và đi trước thời đại chăng!? Điều đó có đúng không và có cần thiết không?
Từ những vấn đề nêu trên, tôi đề nghị lấy lại tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và bỏ các cụm từ xã hội chủ nghĩa sau các cụm từ : dân chủ, chế độ, Nhà nước pháp quyền… Vì ta chưa có tiêu chí chính thống phân biệt, chỉ mới cảm tính thôi thì không nên đưa vào văn bản Hiến pháp, luật.
Ngày 05/03/2013
---------------------------------------------------------------
Góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992
( Chi tiết cho bản góp ý 05.03.2013 trang 9 )
Bài 2:
Vấn đề Đảng lãnh đạo nhà nước và xã hội
Chúng ta đã sống qua thời kinh tế kế hoạch tập trung, chỉ huy, bao cấp và kinh tế thị trường. Mặc dù còn một số mặt trái cần phải hạn chế nhưng mặt tích cực của kinh tế thị trường thì vô cùng to lớn, là động lực cho sự phát triển nhiều hơn, rẻ hơn, tốt hơn… mà không có nền kinh tế nào so sánh được. Làm cho dân giàu hơn, nước mạnh hơn, xuất hiện nhiều người giỏi sánh vai cùng các nước. Đã qua rồi cái thời một người một chợ, thời mà “ thượng đế” mỏi cổ chờ duyệt phiếu mua hàng, rả chân xếp hàng chờ mua từng mét vải mộc, cái radio, chiếc xe đạp thô kệch, chiếc quạt điện sản xuất thủ công…
Trên chính trường cũng vậy, có thực hiện tranh cử thật sự sẽ tìm được người có đức, có tài, hợp lòng dân ... Một số nước quanh ta nhờ điều đó mà xã hội phát triển nhanh, như Thái Lan, Hàn Quốc, singapore…
Campuchia đất nước mới giành chính quyền từ năm 1979 nhưng cũng có gần 70 đảng, có năm đảng lớn, nhưng vẫn ổn định và phát triển…
Còn Myama vừa lập một kỳ tích về dân chủ…
Trước đấy, thời Bác Hồ lãnh đạo, nước ta cũng có ít nhất là 3 đảng là Đảng Lao động Việt Nam, Đãng Xã Hội và Đảng Dân Chủ. Trong di chúc, bác không dặn lại sau khi giành được thắng lợi thì dẹp các đảng này. Bác chỉ nhắc Đảng ta là đảng cầm quyền, phải chỉnh đốn Đảng, phải vì dân mà phục vụ. Về điểm này, các thế hệ sau đã làm khác lời dạy của Bác( ?).
Thực trạng của Đảng ngày càng suy thoái, mất niềm tin trong dân, chính quyền càng mất dân chủ. Vậy ta có nên ghi trong Điều 4 Hiến pháp lần này Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội nữa không? Sau đây ta phân tích về việc đó.
Nếu có Điều 4 thì điều gì xảy ra:
-Hiến pháp trở thành công cụ của Đảng để áp đặt quyền lãnh đạo lên Nhà nước và xã hội, rõ ràng quyền làm chủ tối thượng của người dân làm ra Hiến pháp – bản khế ước xã hội rơi vào tay Đảng, vì thế mất ý nghĩa của Hiến pháp và mất dân chủ từ gốc.
-Có điều 4, Đảng không cần phấn đấu, tranh cử gì cả cũng nắm được quyền lãnh đạo. Đó là tiền đề của suy thoái, tham nhũng, xa rời lợi ích của nhân dân. Thực tế hơn 30 năm qua đã chứng minh.
-Đảng nói lãnh đạo bằng Nghị quyết, bằng tuyên truyền, giáo dục , thuyết phục…thực tế Đảng tìm mọi cách để cài cho được đa số những cán bộ Đảng viên “ngoan”, ăn cánh với lãnh đạo vào cơ quan quyền lực. Theo số liệu tôi chưa kiểm chứng, Quốc hội khóa 13 có 457 Đại biểu Quốc hội là đảng viên trong tổng sồ 500 Đại biểu Quốc hội, chiếm 91,4% đại biểu Quốc hội. Cách tổ chức Quốc hội như thế này chỉ làm nhiệm vụ hợp thức hóa Nghị quyết, chủ trương của Đảng. Trường hợp cảm thấy còn băn khoăn thì Đảng đoàn của Quốc hội họp quán triệt và ra Nghị quyết, đảng viên phải chấp hành. Nếu đúng thì là phúc cho dân, còn không đúng là họa cho dân. Chúng ta từng tung hô: Ý Đảng lòng dân, trường hợp này thì không chắc như vậy!
Sắp tới đây khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua Hiến pháp sửa đổi 2013, với thành phần 91,4% đại biểu Quốc hội là đảng viên, kết quả chắc chắn 100% sẽ là Hiến pháp của Đảng, Còn nó có phải là Hiến pháp của dân hay không thì chưa chắc, phải còn chờ qua thực tiễn kiểm chứng ! Theo tôi là rất rất khó. Khi Hiến pháp 2013 ra đời mà các quyền con người và quyền công dân còn gắn cái đuôi “theo quy định của pháp luật”, hoặc “ đất đai là sở hữu toàn dân”, thì chắc chắn không phải là Hiến pháp của dân, vì không một người dân nào muốn các quyền của mình bị hạn chế hoặc bị tước đoạt, cũng không một người dân nào muốn ngôi nhà do mình lao công khổ tứ tạo ra, nhưng không được sở hữu trọn vẹn, vì đất nền là sở hữu toàn dân, mà nhà nước là đại diện!!! Người nông dân cũng bóp bụng nhận giấy CN quyền sử dụng đất, thay vì quyền sở hữu đất đại như lời hiệu triệu của Đảng 7, 80 năm về trước: Kháng chiến đánh Pháp giành độc lập cho dân tộc và người cày có ruộng.
“Đất đai là sở hữu toàn dân” là “sáng kiến” của Liên xô từ 1977, Việt Nam mới du nhập làm theo từ Hiến pháp năm 1980, một chủ thể vô định, hay nói cách khác là hư chủ, chỉ có chính quyền đại diện chủ sở hữu là thực. Nhưng là đại diện đó có hợp pháp không? Vì toàn dân ( sở hữu toàn dân ) bằng cách nào, với thủ tục pháp lý nào giao cho chính quyền làm đại diện thì chưa có văn bản nào đề cập đến. Do vậy mà người đại diện toàn dân sở hữu đất đai lâu nay là bất hợp pháp chăng? Theo GS Hoàng Xuân Phú đây là một tử quyệt của chế độ…
-Tôi xin giải thích về cán bộ đảng viên “ngoan”, ăn cánh với lãnh đạo. Trước hết 19 điều Đảng viên không được làm, cấm đảng viên tự ứng cử và cũng không có cơ chế để đảng viên được đề cử đảng viên khác hoặc quần chúng tốt ứng cử, đại diện cho mình. Vậy số đảng viên được giới thiệu ra ứng cử phải là những người dễ bảo, nói ít và nói xuôi theo lãnh đạo, không cần phải có chính kiến. Thường người giỏi thì hay có ý kiến khác lãnh đạo, thì bị liệt vào nhóm người khó bảo, nên không được giới thiệu. Quyền giới thiệu lại là độc quyền của của Ban Thường vụ thông qua Ban Tổ chức Thành ủy, Tỉnh ủy. Khi các cơ quan này muốn người nào ra ứng cử thì làm việc với tổ chức đảng nơi người đó đang công tác, sinh hoạt. Tổ chức Đảng và lãnh đạo cơ quan, công đoàn của người này … tiến hành các thủ tục giới thiệu. Thực chất chỉ là hợp thức hóa ý đồ của Ban Thường vụ và Ban Tổ chức tỉnh thành ủy, đồng thời cũng để nhằm thăm dò cơ sở xem các vị này có vấn đề tai tiếng gì không ? ( rủi bị hớ ). Mặt trận chỉ làm động tác đưa danh sách này ra hiệp thương…Rõ ràng ngay trong đảng cũng không có dân chủ rồi, đảng viên không có quyền khiếu nại về điều đó, vì đảng viên phải chấp hành sự phân công tổ chức, phải chấp hành 19 điều đảng viên không được làm…
-Hiến pháp của Liên Xô trước đây ghi nội dung Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ở Điều 6, nhưng cũng không tránh khỏi tan rã, sụp đổ., vì Đảng không ngăn chặn được suy thoái, tham nhũng, trong Đảng và Nhà nước… Đó là bài học học cho đảng ta.
Nếu không có Điều 4 thì điều gì xảy ra :
-Qua báo chí được biết ông Nguyễn Minh Triết , nguyên UVBCT, Chủ tịch nước có nói: Bỏ Điều 4 là tự sát.
Đúng, nếu Đảng không kịp chỉnh đốn, để suy thoái, tham nhũng, để chính quyền ra tay đàn áp người dân thì sẽ không tránh khỏi sụp đổ dù có Điều 4 hay không có Điều 4.
-Nhưng mặt khác, ta thấy từ năm 1930, Đảng ra đời hoạt động để tập hợp quần chúng quanh Đảng để tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Trong bối cảnh có nhiều đảng phái khác cùng hoạt động. Nhưng qua đường lối và tấm gương của các đảng viên cộng sản tiền bối… nhân dân ta theo Đảng, chọn Đảng là người lãnh đạo cho mình. Ngay trong cuộc Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, cả nước chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, quân đội chỉ mới là Đội tuyên truyền Giải phóng quân mà hàng triệu quần chúng theo Đảng và đưa cách mạng đến thắng lợi.
-Ở Miền Nam trước đây có hàng chục đảng phái (Đảng Cần lao nhân vị, Đảng xã hội cấp tiến, Đảng Dân chủ, Đảng Cộng sản Việt Nam ( với các tên gọi khác là Đảng Lao Động Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Việt Nam)…, nhưng đa số nhân dân ta vẫn chọn Đảng Cộng sản là người lãnh đạo cho mình.
-Nếu không có Điều 4 trong Hiến pháp đảng sẽ tinh hơn, chọn được người tài để ra tranh cử với các Đảng khác, tổ chức khác, như trước đây thì Đảng sẽ tốt hơn! Đó là điều chắc chắn.
-Tháng 7-2012 tôi tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh do Đoàn Luật sư TPHCM tổ chức sang Campuchia. Trên đường đi, anh Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt có cho biết: Cảnh sát trưởng ở Thủ đô Phnôm-Pênh kể rằng ở CPC có khoản 70 đảng, trong đó có 5 đảng lớn, hở chút thì kéo biểu tình, cái gì không đồng ý là biểu tình. Thời gian đầu cảnh sát rất vất vả về nạn biểu tình. Về sau, mỗi khi Nhà nước dự định có chủ trương gì mới cũng đưa ra cho các tổ chức, các đảng phái …thảo luận, đến khi thấy được mới ban hành. Từ đó giảm hẳn biểu tình. Nhờ vậy mà quyền làm chủ của nhân dân CPC được tôn trọng. Nhiều chính sách hợp lòng dân…
Cũng nhờ dân chủ mà đất nước Myama phát triển vượt bậc, (xem tại
http://vnexpress.net/gl/topic/7351/myanmar-cai-cach-dan-chu-mo-cua )
Từ những điều nêu trên, nên việc Đảng xác lập quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội bằng việc ghi vào Hiến pháp vừa không đúng, vừa không cần thiết và có khi còn có hại cho Đảng.
Ngày 05/03/2013
-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992
( Chi tiết cho bản góp ý 05.03.2013 trang 9 )
Bài 3:
Các nhánh quyền lực nhà nước và Đại biểu quốc hội VN hiện nay
a).Thuyết tam quyền phân lập của nhà luật học người Pháp S. Montesquieu (1689-1755). Nội dung cốt lõi của học thuyết này nhằm phân chia, chế ước, và kiểm soát quyền lực nhằm chống lạm quyền, giữa các quyền: quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Xem tại:
http://truongchinhtrithanhhoa.gov.vn/s/?noi-dung-co-ban-cua-hoc-thuyet-tam-quyen-phan-lap-va-y-nghia-trong-to-chuc-hoat-dong-cua-nha-nuoc-ta-hien-nay&tp=news®ion_id=16&keyword=&masterid=8213&id=8103
Ông viết: “Khi mà quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viên Nguyên Lão, thì sẽ không có gì là tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính ông ta hoặc viện ấy chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu như quyền tư pháp không tách rời quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan toà sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan toà sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Nếu một người hay một tổ chức của quan chức, hoặc của quý tộc, hoặc của dân chúng, nắm luôn cả ba thứ quyền lực nói trên thì tất cả sẽ mất hết.”
Đây có thể coi là một phát minh của loài người. Nhiều nước áp dụng và đã thành công. Rất tiếc, nước ta chưa áp dụng học thuyết này!
b). Ở Việt Nam từ trước đến nay chủ trương: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện. Thực tế chưa có cơ chế thực hiện việc kiểm soát và chế ước các quyền này, mà ngược lại.
c).Đại biểu quốc hội ( ĐBQH ), đại biểu Hội đồng nhân dân ( ĐBHĐND ) là các ông chủ không thực quyền.
Theo lý thuyết, quyền lực nhà nước là của nhân dân, ĐBQH, ĐBHĐND do nhân dân bầu ra đại diện quyền làm chủ của mình. Quyền làm chủ. Đó là sự mong muốn, là mục tiêu của bao cuộc cách mạng bạo lục và không bạo lực từ trước đến nay…
Trên thực tế, theo thông tin tôi chưa kiểm chứng: Hiện nay có 345 ĐBQH là cán bộ công chức, chiếm 69% tổng số đại biểu. Có 457/500 đại biểu là đảng viên, chiếm 91,4%, chỉ có 43 người ngoài đảng, chiếm 8,6%. ĐBHĐND cũng gần giống tỷ lệ này.
Tỷ lệ này rõ ràng là quyền hành pháp áp đảo quyền lập pháp, vì thế luật do Quốc hội ban hành đương nhiên nghiêng về phía hành pháp (!?). Hệ quả không khác nhận định của S. Montesquieu như nêu trên!
Đại biểu Quốc hội là công chức, một năm quý vị này chỉ làm ông chủ có hai tháng (trong hai kỳ họp). Thời gian còn lại là đày tớ. Bổng lộc, thực quyền đày tớ cao hơn ông chủ. Ngay cả trong thời gian ít ỏi làm ông chủ ấy cũng không được mạnh dạn nói lên hết những bức xúc của cử tri vì người ngồi bên cạnh là cũng cán bộ công chức, là cấp trên, là thủ trưởng của mình. Nói thẳng nói thật liệu có yên không? ( bằng chứng là kỳ họp quốc hội lần thứ tư vừa qua không thực hiện được nguyện vọng của người dân ).
Ngoài ra cơ chế của ta, chủ tớ lẫn lộn. Giống như trong dân gian thường nói: “cắc ké là mẹ kỳ nhông; kỳ nhông là ông kỳ đà; kỳ đà là cha cắt ké” ??? Cụ thể, Chính phủ, Các Bộ, UBND cấp trên ra Nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư buộc HĐND cấp dưới thi hành…Đầy tớ lớn ra lệnh cho các ông chủ nhỏ !? Bằng khen của Thủ tướng, của Chủ tịch UBND tỉnh khen cả Mặt trận, các đoàn thể và nhân dân, Cờ thi đua của Thủ tướng khen tặng cả ngành Tòa án … Rõ ràng, Luật khen thưởng cho phép Thủ tướng là cấp trên của Mặt trận và các đoàn thể, của Tòa án, là cấp trên của nhân dân! Lẽ ra Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ được khen thuộc cấp của mình, nghĩa là chỉ được khen công chức. Lấn sân khen cả Mặt trận và các đoàn thể , Tòa án và Nhân dân là không đúng.
Trật tự xã hội bị đảo lộn khi đưa Tổ chức Đảng lên trên, khi nói: Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân. Mặt trận Tổ quốc…
Chủ trương người dân có quyền giám sát cơ quan, công chức nhà nước, nhưng làm thế nào giám sát thì chưa quy định. Người dân ( ông chủ ) gửi thư phản ánh, đầy tớ cũng không cần trả lời…Quyền làm chủ của người dân rơi rụng. Thực tế, người dân không thực hiện được các quyền này. Làm chủ mà không thực hiện được việc kiểm tra, giám sát đầy tớ cũng như người đại diện cho mình … thì cũng như không!
Hiện nay một số Luật quy định trong thời gian khiếu nại phải chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước.
( Điểm c khoản 2, Điều 12 Luật Khiếu nại có hiệu lực 1.7.2012 ghi : c) Chấp hành quyết định hành chính, hành vi hành chính mà mình khiếu nại trong thời gian khiếu nại, trừ trường hợp quyết định, hành vi đó bị tạm đình chỉ thi hành theo quy định tại Điều 35 của Luật này; …).
Quy định như thế này là không tôn trọng người dân. Nhiều người dân bị cưỡng chế phá nhà, lấy đất … một cách oan ức. Vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng - Hải Phòng, vụ ông Nguyễn Xuân Ngữ, Lương Thị Kim Hằng, Đặng Thị Hoa… ở Quận 9 TPHCM là những ví dụ. Lẽ ra nên quy định: khi có khiếu nại phải được xem xét giải quyết qua hai cấp mới được thực hiện … thì dân mới đỡ bị oan sai. Theo Luật, thời gian giải quyết khiếu nại qua hai cấp cũng không quá 3 tháng, không làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Cái được lớn hơn là tôn trọng quyền làm chủ tài sản của nhân dân, giảm oan sai, giảm mất lòng dân . Cơ quan hành chính cấp trên, rồi Thanh tra Chính phủ…những cơ quan này cùng trong một hệ thống, thì khó khách quan được? Nay có Luật Tố tụng hành chính, nhưng cũng thực hiện rất nhiêu khê. Như trên đã nói, Thủ tướng, Chủ tịch UBND khen cả Tòa án thì phán quyết của Tòa liệu có khách quan không?
91,4% đại biểu quốc hội là đảng viên, thì luật do quốc hội ban hành thì chắc chắn là luật của Đảng, chứ chưa chắn là luật của dân,
Khi Hiến pháp 2013 ra đời mà các quyền con người và quyền công dân còn gắn cái đuôi “theo quy định của pháp luật”, hoặc “ đất đai là sở hữu toàn dân”, thì chắc chắn không phải là Hiến pháp của dân, vì không một người dân nào muốn các quyền của mình bị hạn chế hoặc bị tước đoạt, cũng không một người dân nào muốn ngôi nhà do mình lao công khổ tứ tạo ra, nhưng không được sở hữu trọn vẹn, vì đất nền là sở hữu toàn dân, mà nhà nước là đại diện!!! Người nông dân cũng bóp bụng nhận giấy CN quyền sử dụng đất, thay vì quyền sở hữu đất đại như lời hiệu triệu của Đảng 7, 80 năm về trước: Kháng chiến đánh Pháp giành độc lập cho dân tộc và người cày có ruộng.
“Đất đai là sở hữu toàn dân” là “sáng kiến” của Liên xô từ 1977, Việt Nam mới du nhập làm theo từ Hiến pháp năm 1980, một chủ thể vô định, hay nói cách khác là hư chủ, chỉ có chính quyền đại diện chủ sở hữu là thực. Nhưng là đại diện đó có hợp pháp không? Vì toàn dân ( sở hữu toàn dân ) bằng cách nào, với thủ tục pháp lý nào giao cho chính quyền làm đại diện thì chưa có văn bản nào đề cập đến. Do vậy mà người đại diện toàn dân sở hữu đất đai lâu nay là bất hợp pháp chăng? Theo GS Hoàng Xuân Phú đây là một tử quyệt của chế độ…
Ngày 05.03.2013
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
NĂM 1992
Ngày 05/03/2013
*****
I.NHỮNG CẢM NHẬN TỪ VĂN BẢN ĐẾN THỰC TẾ DẪN ĐẾN CÁC GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP ( gồm 3 bài phân tích, gửi riêng )
II. NHỮNG GÓP Ý SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP:
Để khắc phục và hạn chế những điều bất cập, bất hợp lý trên đây. Tôi có một số góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau:
1. Hiến pháp là khế ước xã hội do nhân dân phúc quyết, là tuyên bố của dân tộc, tồn tại lâu dài. Cần sửa lại lời nói đầu theo tinh thần đó, và không nên kể công trạng của một thời nào. Vì kể sẽ không đủ và không khách quan.
2.Lấy lại tên nước là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vì đúng với bản chất chế độ, mục tiêu của cách mạng. Sau này nước ta có lên Xã hội chủ nghĩa cũng không cần chỉnh sửa gì.
3.Bỏ tất cả các cụm từ định hướng xã hội chủ nghĩa, vì theo Mác, đương nhiên mọi xã hội cũng chỉ đi về một hướng đó. Nói định hướng xã hội chủ nghĩa, là hiểu không đúng hoặc mơ hồ về học thuyết Mác.
4.Bỏ các tính từ xã hội chủ nghĩa sau các danh từ : dân chủ, chế độ, Nhà nước pháp quyền… Vì ta chưa có tiêu chí phân biệt, chỉ mới cảm tính thôi thì không nên đưa vào văn bản Hiến pháp, luật.
5. Biết rằng Nhà nước là của một giai cấp nhất định thể hiện qua đường lối, chính sách, Hiến pháp, Luật không cần phải nói ra. Do đó tôi đề nghị Điều 2. …Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, bỏ đoạn mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.
6. Cần suy nghĩ thêm về Điều 4, ghi như dự thảo thì có lợi hay có hại cho Đảng? Hiện nay ( khóa 13 ) trong Quốc hội có 91,4% đại biểu là đảng viên thì luật làm ra chắc chắn là luật của Đảng, chứ chưa chắc là luật của dân, vì ý đảng có khi chưa phải là lòng dân. Cần nghiên cứu thêm về điều này để luật ban hành đảm bảo là luật của dân, tôn trọng hiến pháp do dân lập ra.
Cần nói thêm, từ khi ra đời 1930, do đường lối đúng đắn với nhiều tấm gương cộng sản kiên trung, bất khuất, Đảng CSVN đã trở thành lực lượng lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khi giành thắng lợi, Hiến pháp 1946, HP 1959 cũng không có Điều 4… nhưng nhân dân ta vẫn theo Đảng, chịu sự lãnh đạo của Đảng kháng chiến và thắng Pháp 1954 và thắng Mỹ 1975… Nhưng từ khi có Điều 4 (1980) đến nay, lòng tin của nhân dân đối với Đảng ngày một sa sút! (Hội nghị lần thứ IV của TW khóa XI vừa qua đã có kết luận về thực trạng của Đảng ). Vậy nên hay không nên ghi Điều 4 vào HP?
7. Điều 9 đề nghị bổ sung thêm khoản 4: Các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có văn bản giải trình văn bản giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận trong thời gian luật định.
8. Điều 12, bổ sung cụm từ “, vùng lãnh thổ” sau đoạn: …, hợp tác và phát triển với tất cả các nước.
9. Điều 13, lấy lại tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, cho vào khoản 1. Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Ngày Quốc khánh là các khoản 2, 3, 4, 5.
10. Điều 16, khoản 2 bỏ đoạn lợi dụng quyền con người, quyền công dân để vì có bằng chứng, chứng minh là xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc…dù có lợi dụng hay không lợi dụng cũng đều bị xử lý như nhau, vì thế đưa đoạn trên vào là không cần thiết.
11. Điều 21. Mọi người có quyền sống. Theo điều này là nước ta không còn án tử hình phải không? ( tôi chưa rõ !). Nếu vậy phải thảo luận kỹ hơn.
12. Điều 23, khoản 2, cuối vế đầu thêm trừ những người đang là bị can, bị cáo. Bỏ hết vế 2. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại và các hình thức trao đổi thông tin khác do pháp luật quy định. Vì dễ dẫn đến lạm quyền và làm vô hiệu vế 1 ở trên, vi phạm quyền tự do của con người.
13. Điều 25 bỏ hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Như trên đã nói, lợi dụng hay không lợi dụng mà vi phạm pháp luật đều bị xử lý như nhau.
14. Điều 28, thêm đoạn Khi đã trúng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, công dân phải rút ra khỏi các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp trước khi thực hiện quyền Đại biểu của mình. Thêm quy định này để thực hiện phân công rạch ròi giữa các quyền, không lấn át quyền cơ quan dân cử, quyền lập pháp của Quốc hội. Khắc phục tình trạng hiện nay có hơn 69% đại biểu quốc hội là công chức, cơ quan hành pháp áp đảo quyền lập pháp của quốc hội, luật làm ra dễ bị nghiêng về cơ quan hành pháp hơn là quyền lợi của nhân dân.
15. Điều 29 , cuối khoản 1, thêm đoạn Công dân có quyền dự thính quan sát tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Để xem các Đại biểu được nhân dân ủy quyền ( bầu ) làm việc như thế nào?
Thêm khoản 3. Công dân có trình độ chuyên môn ( học vị, kinh nghiệm ) có quyền tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra do các cơ quan Nhà nước tiến hành trong lĩnh vực chuyên môn mà mình hiểu biết.
Có bổ sung những ý trên thì quyền quản lý, giám sát của công dân mới có ý nghĩa trên thực tế.
16. Điều 31, khoản 3 bỏ đoạn hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Thêm khoản 4. Mọi quyết định hành chính bị người dân khiếu nại phải qua hai cấp giải quyết mới được thi hành. Nhằm tránh oan sai và trả thù cá nhân.
17. Điều 32, cuối khoản 3 thêm đoạn Mọi lời khai, bản cung sau 48 giờ kể từ khi bị tạm giam, tạm giữ nếu không có sự xác nhận của người bào chữa là không có giá trị. Để tránh ép cung, móm cung, nhục hình, làm sai lệch hồ sơ vụ án…
18. Điều 39, thêm vào cuối khoản 1. Nghiêm cấm hôn nhân đồng tính.
19. Điều 58, khoản 1 thêm Đất đai có các hình thức sở hữu: sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Tức là đa sở hữu. Trên thế giới nhiều nước cũng đa sở hữu về đất đai vẫn ổn định và phát triển tốt. Ghi như vậy mới trung thành với lời hiệu triệu của Đảng trước đây: Người cày có ruộng. Đảng không phản bội, quay lưng với nông dân.
Khoản 2, sửa lại thành Tổ chức, cá nhân được Nhà nước cấp, bán hoặc cho thuê đất ổn định lâu dài để người dân an tâm đầu tư, phát triển.
Khoản 3 Nhà nước thu hồi đất đổi thành Nhà nước trưng mua, bỏ và các dự án kinh tế - xã hội.
20. Điều 64, khoản 4 bỏ từ lợi dụng
21.Điều 66, …quy định phổ cập giáo dục , thêm trường công ở bậc phổ cập giáo dục hoàn toàn miễn phí.
22. Điều 70, về Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân và Tổ quốc Việt Nam mà chiến đấu. Quân đội của một Quốc gia, do nhân dân đóng thuế, nuôi dưỡng, trang bị… không phải là của riêng một tổ chức nào, nên phải trung với nước, hiếu với dân ( đúng như lời dạy của Bác Hồ ). Khi đất nước có ngoại xâm - chiến tranh, thực hiện lệnh động viên, thanh niên Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo … được gọi vào Quân đội để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đảng có công dạy dỗ họ trưởng thành, trở thành người tốt, họ sẽ không quên ơn Đảng, nhưng điều đó là do tự nguyện từ tấm lòng của họ. Vì vậy ghi như dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo tôi là chưa thuyết phục.
23. Điều 71và Điều 72 bỏ từ cách mạng vì có từ đó cũng không làm tốt hơn.
24. Nên bổ sung thêm chương “Thẩm quyền - Pháp chế” trước chương Quốc hội để quy định cơ quan nào có quyền đối với cơ quan nào, văn bản nào phủ định văn bản nào. Khắc phục tình trạng cơ quan, công chức hành pháp ( đày tớ ) ra lệnh và khen thưởng cho Mặt trận Tổ quốc, Tòa án, Hội đồng nhân dân ( ông chủ nhỏ ); Hiến pháp, Luật không có hiệu lực thi hành khi không có Nghị định, Thông tư… hướng dẫn.
Trong mọi trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có / còn hiệu lực mà có cấp độ cao hơn luôn có giá trị thi hành dù chưa có văn bản thấp hơn hướng dẫn.
Quốc hội tiếp nhận sự phúc quyết của nhân dân để ban hành Hiến pháp, làm ra Luật, Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm và ban hành Pháp lệnh, Nghị quyết. Các văn bản này có thể gọi chung là luật. Các Nghị định, Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thông tư của các Bộ ( cơ quan ngang bộ ) chỉ nên gọi là văn bản quy phạm pháp luật để phân biệt. Không nên gộp chung là Luật để trách nhầm lẫn.
Ví dụ như Hiến pháp, ghi công dân được quyền ( như biểu tình ,…..) theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là dù chưa có Luật biểu tình, công dân vẫn có quyền biểu tình, và khẳng định là tham gia biểu tình không vi phạm pháp luật ( vì đã ghi trong hiến pháp và có luật đâu mà gọi là vi phạm pháp luật? ). Nếu có Luật biểu tình ( phải không được trái Hiến pháp ) thì công dân tiến hành tổ chức biểu tình theo quy định của Luật biểu tình. Vừa qua có nhiều cơ quan, tổ chức hiểu sai vấn đề này.
Có chương quy định này thì kỷ cương, trật tự hành chính - pháp luật mới được thiết lập.
25. Điều 74. Quốc hội là cơ quan đổi lại thành Quốc hội là Tổ chức, đổi từ cơ quan quyền lực thành tổ chức quyền lực vì cơ quan là bộ máy, có thủ trưởng, giám đốc. Quốc hội không có thủ trưởng, giám đốc. Bộ máy chỉ có ở Văn phòng Quốc hội, cơ quan giúp việc cho Quốc hội.
26. Điều 77 …ký chứng thực Hiến pháp, luật… sửa lại ký ban hành Hiến pháp, luật.
27. Điều 78, nếu Điều 28 quy định Đại biểu Quốc hội khi thực hiện quyền Đại biểu khi không còn là công chức thì bỏ Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể đồng thời là thành viên Chính phủ.
28. Điều 84, thêm vào cuối khoản 1 Người trúng cử chỉ thực hiện quyền Đại biểu khi không còn là công chức.
29. Điều 84 …, đôn đốc giải quyết… thêm từ kiểm tra thành …, đôn đốc, kiểm tra giải quyết… Cuối khoản 2 thêm Đại biểu Quốc hội có quyền và trách nhiệm yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, tố cáo báo cáo, giải trình bằng văn bản việc chậm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
30. Điều 101 Thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ công vụ. Thêm Trong mọi trường hợp công vụ phải đúng Hiến pháp và pháp luật để tránh việc người dân chống lại việc làm sai của chính quyền bị quy tội là chống người thi hành công vụ. Cũng tại khoản 2 này đổi đoạn Kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên , tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo luật định thành Khi phát hiện Hội đồng nhân dân ban hành văn bản không đúng văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên thì gửi kiến nghị đến Hội đồng nhân dân cấp đó hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đình chỉ và hủy bỏ văn bản vi phạm.
Quy định như thế mới giới hạn rạch ròi thẩm quyền cơ quan hành pháp, không lấn sân qua hệ thống dân cử, hệ thống quyền lực của nhân dân.
31. Điều 103 Tương tự như trên tại khoản 3… đình chỉ thi hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân… thêm hai chữ Kiến nghị, thành Kiến nghị đình chỉ thi hành …. Thì đảm bảo trật tự và thuận hơn.
32. Điều 105… ban hành văn bản pháp luật thay bằng văn bản quy phạm pháp luật.
33. Điều 107, cuối khoản 1 thêm Từng bước thiết lập tòa án theo khu vực, vùng, miền.( không tổ chức theo đơn vị hành chính).
34. Điều 112, cuối khoản 2 thêm Về lâu dài các Viện kiểm sát khác không tổ chức theo đơn vị hành chính, mà tổ chức theo khu vực, vùng, miền.
35. Điều 115 thêm khoản 3. Các thành phố lớn trực thuộc trung ương, khi nếp sống thị dân đã hình thành và ổn định thì tổ chức Chính quyền đô thị. Nhằm mở hướng cho ra đời chính quyền đô thị.
36. Điều 117, cuối điều này, thêm Đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ Đại biểu khi không còn là công chức.
37. Điều 120 Ở các nước có Tòa bảo hiến, là cơ quan xét xử tất cả các tổ chức, cá nhân vi phạm hiến pháp. Nhưng theo dự thảo thì Quốc hội lập ra Hội đồng Hiến pháp chỉ có quyền kiểm tra và kiến nghị. Trường hợp Hội đồng Hiến pháp kiến nghị mà Quốc hội không sửa thì không còn cách nào để bảo vệ Hiến pháp. Hơn nữa cơ chế này là Quốc hội tự xử mình, liệu như thế có nghiêm minh và khách quan không.
Từ phân tích trên tôi đề nghị Hiếp pháp nên có quy định tổ chức ra Tòa Bảo hiến. Tòa này chỉ xét xử tất các các cá nhân, tổ chức vi phạm hiến pháp.
Trên đây là một số góp ý của tôi, tâm huyết thì lớn nhưng kiến thức có giới hạn. Có điều gì sơ suất xin được mọi người bỏ qua cho.
Trân trọng kính chào./.