Vừa qua, trên các trang báo điện tử có đưa tin về việc Tàu metro số 1 bị sơn vẽ bậy. Đây không phải là lần đầu tiên mà hành vi này bị lên án. Lần thứ nhất vào tháng 6/2022, đoàn tàu này bị vẽ bậy. Vậy hành vi sơn, vẽ bậy lên tàu có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Cụ thể, trước hành vi sơn, vẽ bậy lên tàu, nhiều người dân thể hiện sự bức xúc và yêu cầu phạt thật nặng.
Theo đó, hành vi vẽ bậy, bôi bẩn bởi nhiều vết vẽ bằng sơn lên toa tàu metro có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ của hành vi người vi phạm.
Mức xử phạt đối với hành vi sơn, vẽ bậy lên tàu
Xử phạt vi phạm hành chính
Cụ thể, theo điểm a, khoản 2, điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với những hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức.
Ngoài phạt tiền, hành vi vẽ bậy còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Nếu là người nước ngoài thì còn có thể bị trục xuất. Đồng thời, buộc người có hành vi vi phạm phải khôi phục tình trạng ban đầu đối với toa tàu.
Hành vi vẽ bậy lên toa tàu metro số 1 còn có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.
Truy cứu trách nhiệm hình sự
Cụ thể, người vẽ bậy có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu làm tài sản bị thiệt hại trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp: đã bị phạt hành chính về hành vi này trước đó; đã bị kết án về tội này nhưng tái phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…
Ngoài ra, người vẽ bậy thuộc trường hợp có tổ chức gây thiệt hại từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm… thì có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Trường hợp phạm tội gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm.