Sở dĩ mình lập topic này ra vì gần đây có quá nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề vay tiền, nhưng chung quy lại các câu hỏi có nội dung chính xoay quanh việc đã vay, đang trả nợ nhưng không đủ khả năng trả nữa, có bị đi tù không? Hoặc không đủ khả năng trả nợ thì có bị sao không? Thời điểm tính lãi, số lãi tính vậy có đúng không?...
Đứng về góc độ người đi vay: Ai trong cuộc sống mà không có lúc túng quẫn, cần tiền để trang trải cho các mục đích tiêu dùng hàng ngày, không thể mượn người thân, bạn bè vì nhiều lý do, nhiều bạn chọn đến các công ty tài chính. Tuy nhiên, khi đã lựa chọn, bạn cần phải tính đến các trường hợp có thể xảy ra.
Thực tế phát sinh một số trường hợp ảnh hưởng đến người đi vay như sau:
- Quá trình tư vấn có dấu hiệu cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác, thực hiện nhiều thủ thuật nhằm che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin sai lệch về nội dung của hợp đồng, bao gồm thông tin về lãi suất, về thời hạn vay, về các mức phạt, phí hủy hợp đồng…
- Không thực hiện thẩm định thông tin của người tiêu dùng, người tiêu dùng chỉ cần ký là được phê duyệt khoản vay.
- Không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng nghiên cứu, tạo tâm lý để người tiêu dùng ký hợp đồng khi chưa nắm rõ các nội dung, không cung cấp hợp đồng đã ký để người tiêu dùng lưu giữ và theo dõi.
- Thực hiện hành vi nhắc nợ, đòi nợ ảnh hưởng tới uy tín của người tiêu dùng, người thân, đồng nghiệp của người tiêu dùng.
|
Để tránh trường hợp không có khả năng chi trả, các bạn cần phải thực hiện 4 bước sau:
1. Cân nhắc kỹ trước khi ký hợp đồng vay tiền mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ.
2. Chỉ ký các tài liệu khi đã nghiên cứu, tìm hiểu các nội dung và đảm bảo chắc chắn các thông tin đó được thể hiện chính xác trên tài liệu được yêu cầu ký.
3. Yêu cầu cung cấp hợp đồng, tài liệu giao dịch có đầy đủ chữ ký, con dấu của đơn vị cung cấp dịch vụ để lưu giữ, đối chiếu và thực hiện đúng theo nội dung trong hợp đồng.
4. Khi có tranh chấp phát sinh, ngoài việc phản ánh qua điện thoại tới bộ phận có liên quan của đơn vị cung cấp dịch vụ, người tiêu dùng nên kết hợp gửi email hoặc gửi thư để đảm bảo lưu vết thông tin, tránh trường hợp các công ty cung cấp dịch vụ tài chính đưa ra lý do không tiếp nhận được khiếu nại của người tiêu dùng nên không có cơ sở giải quyết.
Đứng về góc độ người cho vay là công ty tài chính:
- Cần tư vấn kỹ càng, rõ ràng về khoản vay, lãi suất vay, kỳ hạn trả nợ cho khách hàng, để phòng hờ trường hợp khách hàng quay lưng, cần thu âm khi tư vấn và xác nhận đã nhận được sự tư vấn rõ ràng từ nhân viên của khách hàng.
- Cần thẩm định rõ khả năng chi trả của cá nhân đi vay.
- Cung cấp hợp đồng, tài liệu liên quan để làm rõ với khách hàng.
Đây là những điều quan trọng để phòng ngừa được rủi ro khách vay không có khả năng trả nợ.
Tuyệt đối không nhắc nợ, đòi nợ bằng các hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín của người đi vay.
Lưu ý: Rất nhiều trường hợp lúc đi vay là lúc cần tiền thì người đi vay luôn bất chấp, mặc cho lời tư vấn của nhân viên tư vấn (bên cho vay) như thế nào đi chăng nữa, lãi suất cao, kỳ hạn dài…hoặc không nghe kỹ, nghe rõ lời tư vấn, họ vẫn chấp nhận ký hợp đồng vay và được giải ngân liền, song đến khi không có khả năng trả nợ vì lãi suất cao lại quay lưng lại nói rằng nhân viên tư vấn không giải thích, nói rõ cho họ.
=> Đây là lỗi của người đi vay, chứ không phải lỗi của nhân viên tư vấn, trường hợp này phát sinh nhiều, cho nên bạn nào đi vay thì chú ý.
P/S: Nếu bạn là người đi vay trong trường hợp này, cứ thử nghĩ, một ngày nào đó, bạn có nhiều tiền và cho người khác vay, nếu họ chây ỳ không trả hoặc không có khả năng trả thì bạn làm gì? Cứ thử đặt mình trong hoàn cảnh của người khác để có cách giải quyết phù hợp nhé!
|
Đó là những cách phòng tránh những rủi ro đi vay mà không có khả năng trả.
Còn trong trường hợp, đã lỡ vay mà không có khả năng chi trả, bạn có thể làm đơn yêu cầu để gia hạn thời gian trả nợ và tuyệt đối không bỏ trốn, tránh né bên cho vay, bởi vì hành vi trốn tránh, không trả nợ có thể bị khép vào tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự mới nhất:
Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản 100
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
P/S: Ngoài ra, mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề này, các bạn có thể đặt câu hỏi tại đây!
Cập nhật bởi trang_u ngày 16/11/2017 04:20:06 CH