Chào bạn,
Tôi có mấy ý trả lời bạn như sau:
1) Về việc chia thừa kế quyền sử dụng đất của ông, bà để lại:
Bạn cần phân biệt 03 thủ tục: khai nhận di sản thừa kế; thỏa thuận phân chia di sản thừa kế; và khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
- Khai nhận di sản thừa kế: "Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản." (Điều 58 Luật Công chứng)
- Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế: "Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản." (Điều 57 Luật công chứng).
Đối với hai trường hợp nêu trên phải có văn bản xác nhận của chính quyền địa phương về mối quan hệ của những người được hưởng di sản và người để lại di sản. Trường hợp cô bạn đã mất tích nhưng chưa có tuyên bồ mất tích hay chết của Tòa án thì không thể thực hiện thủ tục trên được.
- Khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế:
Khi khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế thì Tòa án phải đưa những người đồng thừa kế tham gia tố tụng. ViệcTòa giải quyết bỏ sót người thừa kế là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bản án sẽ bị hủy nếu có kháng cáo, kháng nghị.
Cô bạn đã mất tích 20 mươi năm, thì trước khi khởi kiện bạn phải làm thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố cô bạn mất tích, chết, sau đó mới thực hiện việc khởi kiện.
2) Về việc cụ ông có được hưởng di sản quyền sử dụng đất của cụ bà để lại:
Căn cứ quy định tại điểm 1.1, 1.2 tiểu mục 1, Mục I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP:
1.1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
1.2. Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế.
Theo các quy định trên, nếu đất của cụ bà để lại mà có Giấy CNQSDĐ hoặc có các giấy tờ tại các khoản 1, 2, 5 Điều 50 Luật Đất đai 2003 thì quyền sử dụng đất do cụ bà để lại là di sản. Cụ ông và những người đồng thừa kế khác có quyền được hưởng di sản này của cụ bà để lại theo quy định của pháp luật.
Thân mến.
Luật sư Đoàn Khắc Độ, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đức
Điện thoại: 0903 168 986
Email: do@luatdaiduc.vn
Website: www.luatdaiduc.vn