Văn khấn rằm tháng 8 thế nào? Khấn bái rằm tháng 8 có phải mê tín dị đoan không?

Chủ đề   RSS   
  • #616428 17/09/2024

    phucpham2205
    Top 50
    Trung cấp

    Vietnam --> Hồ Chí Minh
    Tham gia:31/01/2024
    Tổng số bài viết (1346)
    Số điểm: 26668
    Cảm ơn: 2
    Được cảm ơn 550 lần


    Văn khấn rằm tháng 8 thế nào? Khấn bái rằm tháng 8 có phải mê tín dị đoan không?

    Rằm tháng 8 năm 2024 là ngày bao nhiêu? Văn khấn rằm tháng 8 năm 2024 thế nào? Khấn bái rằm tháng 8 có phải mê tín dị đoan không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

    (1) Rằm tháng 8 năm 2024 là ngày bao nhiêu?

    Ngày rằm tháng 8 là ngày 15/8 Âm lịch. Đây không chỉ là một ngày rằm đơn thuần mà còn là ngày lễ truyền thống của Việt Nam và một số nước Đông Á.

    Đối với năm 2024, ngày rằm tháng 8 rơi vào thứ Ba ngày 17 tháng 9. Đây là một ngày lễ đặc biệt hay còn được biết đến là Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Tết Đoàn viên hay Tết Hoa đăng.

    Ý nghĩa của Tết Trung thu là tôn vinh tình yêu thương giữa con người, giữa gia đình và giữa cộng đồng. Tết Trung thu cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn với thiên nhiên, với cha mẹ, với ông bà và với các em nhỏ. Tết Trung thu còn là dịp để giáo dục các em về tinh thần yêu nước, yêu dân tộc và yêu thiên nhiên.

    Người Việt Nam thường tổ chức những hoạt động vui vẻ vào rằm tháng 8 như rước đèn ông sao, múa lân, chơi các trò chơi dân gian; thưởng thức những món ăn ngon và đặc biệt như bánh trung thu, bánh dẻo, bánh nướng,...

    (2) Văn khấn rằm tháng 8 như thế nào?

    Văn khấn là một trong những nghi lễ không thể thiếu khi gia chủ dâng lễ lên gia tiên vào ngày rằm tháng 8, hay còn gọi là Tết Trung thu. Theo đó, hiện bài văn khấn cúng rằm tháng 8 theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam như sau:

    Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.

    Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

    Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

    Tín chủ (chúng) con là:… Tuổi:…

    Ngụ tại:…

    Hôm nay là ngày rằm tháng 8 gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.

    Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

    Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

    Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.

    Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

    Phục duy cẩn cáo!

    (3) Khấn bái rằm tháng 8 có phải mê tín dị đoan không?

    Căn cứ khoản 4 Điều 3 Thông tư 04/2009/TT-BVHTTDL có quy định về những hành vi bị cấm trong hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng như sau:

    “4. Hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá có nội dung mê tín dị đoan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Quy chế là những hoạt động có nội dung làm mê hoặc người khác, trái với tự nhiên, gây tác động xấu về nhận thức, bao gồm: Cúng khấn trừ tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, lên đồng phán truyền, xem bói, xin xăm, xóc thẻ, truyền bá sấm trạng, phù chú, cầu lợi cho mình gây hại cho người khác bằng cách yểm bùa, đốt đồ mã ở nơi công cộng và các hình thức mê tín dị đoan khác.”

    Từ dẫn chiếu quy định nêu trên, có thể thấy, những hành vi được coi là mê tín dị đoan phải là những hành vi làm mê hoặc người khác, gây tác động xấu đến người khác và trái với tự nhiên như xem bói, phù chú, yểm bùa… Theo đó, việc xác định xem khấn, bái có phải là hành vi mê tín dị đoan hay không còn phụ thuộc vào mục đích của việc thực hiện nghi lễ đó.

    Nếu nghi lễ được thực hiện với mục đích cầu mong sự bình an, may mắn cho bản thân và gia đình thì đó không phải là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, nếu nghi lễ được thực hiện với mục đích trục lợi, lợi dụng lòng tin của người dân thì đó là mê tín dị đoan.

     
    65 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận