Trước kia ít người biết rằng cách đây vài chục năm người dân Singapore cũng ý thức rất kém, xả rác, khạc nhổ bừa bãi. Chỉ kêu gọi không chẳng giải quyết được gì, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã phải dùng biện pháp xử phạt rất nặng để răn đe người vi phạm.
Hình thức tố giác người vi phạm đã được sử dụng, để giảm bớt gánh nặng cho nhà nước. Người tố giác sẽ được thưởng 1/2 số tiền nộp phạt. Người vi phạm ngoài bị phạt tiền ra, còn bị phạt đánh một roi, bắt đi lao động công ích 3 tháng (dọn rác, móc cống) và bị đăng hình ảnh của mình trên báo.
Để công bằng, người tố cáo có thể quay video hành vi vi phạm. Ngoài ra, camera theo dõi của các cửa hàng, căn hộ cũng có thể trích đoạn tố cáo người vi phạm.
Mình cho rằng, đã tới lúc Việt Nam phải chung tay xóa bỏ thói quen xả rác. Chúng ta đừng bao giờ đổ lỗi rằng không có thùng rác. Không có thùng rác thì anh chị phải đem rác về nhà mà vứt. Hãy biết tự trọng và làm gương cho trẻ con.Nhiều người chỉ trích người Việt Nam có tâm lý "bầy đàn", nhưng có thực là vậy không? Một anh bạn của mình, người nước ngoài đã bày cho mình sử dụng một phần mềm mà anh tải lậu trên mạng, khi mình ớ ra vì sao một người từ đất nước tiên tiến như vậy lại xài phần mềm lậu thì anh cười xòa và nói: "Tôi được một người bạn khác bày cho đấy, ở Việt Nam xài lậu nhiều quá nên mua làm gì khi mình chỉ cần xài có một lần".
Nếu những người xung quanh bắt đầu làm gì đó, thì bạn cũng sẽ nghiễm nhiên xem đó là điều đúng đắn, các nhà tâm lý gọi hiện tượng này là "bằng chứng xã hội". Bằng chứng xã hội hiện diện ở nhiều nơi và bạn sẽ dễ thấy nó ở một việc mà ai cũng làm hàng ngày: vứt rác. Chúng ta không thể nói rằng người Việt kém ý thức, vì nếu kém ý thức thì vì sao họ lại không vứt rác ở Singapore? Một số người sẽ lập luận rằng do hệ thống pháp luật của Singapore rất nghiêm minh, sẽ xử phạt hành vi vứt rác bừa bãi rất nặng, nhưng tại sao theo quan sát của tôi thì nhiều người Singapore khi sang Việt Nam trong những ngày đầu vẫn tuân thủ quy tắc này dù không ai theo dõi hay phạt họ?
Nhưng sẽ ra sao nếu không có ai đứng ra nhắc nhở hoặc dọn dẹp sạch rác giúp những người đổ rác bừa bãi kia? Lúc này mình nghĩ cần phải dùng đến luật pháp. Chúng ta đã có luật xử phạt hành vi đổ rác bừa bãi nhưng cách phát hiện như thế nào và xử lý ra làm sao thì nhiều địa phương vẫn còn lúng túng hoặc không tích cực thực hiện. Nếu áp dụng luật một cách cứng nhắc và đột ngột sẽ khiến nhiều người khó chịu và phản ứng mạnh, nên mình nghĩ bước đầu các cơ quan chức năng và truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về luật mới sau đó mới bắt đầu áp dụng luật dần dần, và đã áp dụng là phải áp dụng thật nghiêm túc. Chẳng hạn như trước đây khi muốn hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm cho người dân, các cơ quan chức năng đã ra quy định phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông ngoài khu vực dân cư, rồi tiến tới áp dụng trên mọi tuyến đường. Giờ đây nếu bạn nói ai đó – người có thói quen đội mũ bảo hiểm hàng ngày - thử chạy xe tốc độ 60 km/h trên một tuyến đường vắng và không có cảnh sát giao thông xem, tôi chắc rằng họ sẽ hỏi mượn bạn chiếc mũ bảo hiểm, đơn giản vì họ muốn bảo vệ tính mạng của họ chứ không phải vì sợ bị phạt.