Xin chào các bác! Em muốn bàn về vấn đề "nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức".
Các quy tắc theo điều 24 luật giao thông đường bộ em không có ý kiến gì, tuy nhiên có quan điểm rằng "xe vào nơi giao nhau trước được quyền đi trước". Kể cả trong sa hình dạy lái xe cũng dạy như vậy. Theo em là chưa hợp lý. Quan điểm của em cho rằng:
Thứ nhất, quy tắc này không được quy định trong Luật GTĐB, nhiều cụ viện dẫn rằng xe vào trước được đi trước là vì tại nơi giao nhau không được phép dừng xe theo điều18 Luật GTĐB nên phải tiếp tục di chuyển. Thế thì xe phải dừng ở đâu để nhường đường? Luật quy định cũng không được dừng cách nơi giao nhau 5m, mép nơi giao nhau được tính từ đâu? văn bản nào? Ngoài ra việc dừng xe trong các trường hợp như phía trước tắc đường, sự cố có coi là vi phạm? Luật quy định dừng xe là việc đứng yên tạm thời để cho người lên xuống, xếp dỡ hàng hóa, thực hiện công việc khác, vì vậy việc dừng xe để nhường đường cũng giống như dừng đèn đỏ hay tắc đường là được phép.
Thứ 2, Việc người lái xe có xác định được xe nào vào nơi giao nhau trước là cả một vấn đề lớn, chúng ta tạm coi vạch dừng đèn đỏ là mép đường giao nhau, vậy những nơi không có vạch dừng thì căn cứ vào đâu? Trong trường hợp đó lái xe có đủ nhận thức để xác định xe từ bên trái đã vào nơi giao nhau chưa để nhường đường không?
Thứ 3, Việc áp dụng quy tắc vào trước đi trước sẽ tạo ra sự xung đột lớn tại nơi giao nhau, các xe sẽ cố rướn ga để vào trước, không ai nhường ai. KHi xảy ra tai nạn cơ quan Công an cũng sẽ khó khăn trong việc xác định lỗi.
Vậy, bác nào có quan điểm ủng hộ quy tắc "vào trước, đi trước" có thể giải thích hộ em là tại sao không? em chân thành cảm ơn!