Hoa là một món quà đầy ý nghĩa trong những dịp lễ, kỷ niệm, nó thể hiện được tấm lòng của người tặng đến với người nhận. Tuy nhiên, trong thời buổi mà những bó tiền được nhiều người sử dụng thì những bó hoa tươi bị “thất sủng”.
Sự thực dụng của một số bộ phận người sử dụng hoa tiền để bán, tặng đã góp phần tạo thành trào lưu mà nhiều người không biết được rằng hành vi này có thể dẫn đến vi phạm pháp luật.
1. Lý do vì sao sử dụng hoa tiền lại vi phạm pháp luật
Thượng tá Huỳnh S.H, Phó trưởng Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Trong quá trình kết hoa, nếu sử dụng vật nhọn và những chất bám dính cao như keo dán sắt sẽ dẫn đến rách, biến dạng và ảnh hưởng việc lưu thông tiền tệ". (Theo VTV)
Theo một số người có nhiều năm làm hoa tiền cho hay, trong quá trình làm hoa tiền, khách hàng muốn dính tốt hơn, để lâu hơn nên người bán phải sử dụng keo dính tốt nhưng về sau có bất tiện là khi gỡ ra thì tiền dễ bị rách.
Do đó, nhiều hộ gia đình, cơ sở bán hoa khi sử dụng đồng tiền Việt Nam bằng chất liệu polime muốn tạo hình đẹp cho một bó hoa phải sử dụng băng keo, keo dính cho tiền. Điều này sẽ dẫn đến rách tiền, méo mó, biến dạng, đồng thời người mua khi muốn gỡ tiền ra cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của đồng tiền.
2. Có cấm sử dụng tiền để kinh doanh?
Cụ thể tại Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong việc lưu hành, sử dụng đồng tiền Việt Nam bao gồm:
- Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
- Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
- Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù quy định trên không cấm mua bán hoa làm từ tiền nhưng có thể thấy việc sử dụng tiền Việt Nam cho việc làm hoa tiền mua bán dẫn đến hư hỏng tiền đã vi phạm hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.
3. Mức phạt tiền đối với hành vi hủy hoại tiền Việt Nam
Hiện nay, đối với những cá nhân có hành vi sử dụng tiền Việt Nam mà dẫn đến hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật mà chưa đến mức truy cứu hình sự
Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.
Đồng thời, phạt bổ sung bằng hình thức tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Lưu ý: Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm trên thì mức phạt tiền gấp 02 lần so với cá nhân.
4. Truy cứu hình sự tội làm hủy hoại tiền Việt Nam
Trường hợp cá nhân có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của có trị giá từ 2.000.000 thì sẽ bị truy cứu hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự 2017) về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm
- Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức hoặc gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50 triệu đồng - dưới 200 triệu đồng.
- Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm - 10 năm.
- Phạt tù từ 10 năm đến 20 năm: Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, hiện nay pháp luật không cấm việc mua bán hoa làm từ tiền Việt Nam, tuy nhiên nếu việc mua bán này dẫn đến việc hư hỏng tiền hoặc cố tình hủy hoại tiền vì mục đích kinh doanh có thể bị phạt đến 30 triệu hoặc truy cứu hình sự lên đến 20 năm tù.