Thông thường, trong một giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ chịu hai loại thuế, phí là Lệ phí trước bạ và Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng xuất hiện việc ủy quyền cho người thứ ba làm thủ tục mua bán thì phải đóng hai lần thuế TNCN. Vậy cần làm gì để tránh rơi vào trường hợp đóng thuế hai lần nếu cần thiết phải ủy quyền mua bán nhà đất?
Ảnh minh họa
Trong giao dịch dân sự, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, bộ luật dân sự không hạn chế công việc ủy quyền và được ủy quyền, miễn là cả hai bên đều đồng ý và không trái với quy định của pháp luật.
Chính vì vậy, lợi dụng sơ hở đó, trên thực tế đã phát sinh các trường hợp mua bán nhà đất nhưng không làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông thường, mà làm hợp đồng ủy quyền để trốn thuế. Nội dung của các hợp đồng ủy quyền như vậy thường là người chuyển nhượng ủy quyền cho người nhận chuyển nhượng được toàn quyền sử dụng, định đoạt đối với bất động sản. Do vậy để hạn chế tình trạng này, năm 2011, Tổng cục thuế đã ban hành Công văn số 1133/TCT-TNCN và Công văn số 3373/TCT-TNCN hướng dẫn tính thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản thông qua hợp đồng ủy quyền, trong đó có quy định
“…cơ quan thuế có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương để tiến hành kiểm tra, điều tra xác minh làm rõ nội dung của hợp đồng ủy quyền để xác định nghĩa vụ thuế TNCN của các đối tượng ủy quyền và đối tượng nhận ủy quyền trước khi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền sở hữu nhà.”
Tuy nhiên, một thời gian sau khi ban hành hai Công văn trên, các cơ quan thuế khi giải quyết hồ sơ chuyển nhượng qua hợp đồng ủy quyền thì đều mặc nhiên tính thuế TNCN hai lần. Điều này gây bức xúc đối với nhiều người dân có lí do chính đáng khi phải làm hợp đồng ủy quyền vì những lí do khách quan như đang ở xa, không có điều kiện về địa phương làm thủ tục chuyển nhượng,..
Vậy cần làm gì để tránh bị đánh thuế TNCN hai lần một cách vô lý?
Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định:
“Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
....”
Do đó, đối với những trường hợp thật sự cần thiết phải ủy quyền cho người khác làm thủ tục chuyển nhượng bất động sản, người dân nên ủy quyền cho người thân trong gia đình như quy định trên, và cung cấp được giấy tờ chứng minh mối quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền. Ngoài ra cần thể hiện rõ nội dung ủy quyền trên hợp đồng như chỉ thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, không ủy quyền toàn bộ các quyền sử dụng, định đoạt bất động sản để tránh bị đánh thuế hai lần.
Thực tế dạo gần đây tình trạng sai sót vì đánh thuế hai lần đã được cải thiện đáng kể. Các Chi cục thuế khi xử lý hồ sơ chuyển nhượng có ủy quyền mà có giấy tờ chứng minh được là người thân trong gia đình thì cũng không còn đánh thuế hai lần nữa mà thay vào đó chỉ ra thông báo thuế cho người ủy quyền.