Theo quy định tại Khoản 2 Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014 thì khi Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết (tức có vốn chi phối của Nhà nước) thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Do đó, đây có thể là lý do bạn được nhận chức vụ Giám đốc của Công ty.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 3 Điều 152 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị trong Công ty Cổ phần:
Điều 152. Chủ tịch Hội đồng quản trị
...
3. Chủ tịch Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;
b) Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;
c) Tổ chức việc thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị;
d) Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
đ) Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng quản trị;
e) Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.[...]
Theo quy định trên, có thể xảy ra 02 trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Điều lệ Công ty KHÔNG có quy định thêm quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị (gọi tắt là Chủ tịch HĐQT) hoặc có quy định thêm nhưng không quy định về việc Chủ tịch HĐQT có quyền ký kết các hợp đồng sản xuất, kinh doanh: thì việc Chủ tịch Hội đồng quản trị ủy quyền cho giám đốc là vượt quá quyền hạn của mình.
- Trường hợp 2: Điều lệ Công ty có quy định về việc Chủ tịch HĐQT có quyền ký kết các hợp đồng sản xuất, kinh doanh: thì việc Chủ tịch Hội đồng quản trị ủy quyền cho giám đốc là đúng theo quy định.
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2014 về nội dung của điều lệ thì trong Điều lệ công ty sẽ quy định quyền hạn của những người quản lý như: Tổng giám đốc, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị ... có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty không?
Do đó, cần phải xem lại Điều lệ công ty Công ty để đảm bảo việc ủy quyền là có căn cứ tránh rủi ro pháp lý xảy ra sau này.