Ưu tiên chia tài sản chung bằng hiện vật cho người cao tuổi đã tạo lập nên tài sản đó?

Chủ đề   RSS   
  • #606394 26/10/2023

    minhpham1995
    Top 50
    Male
    Lớp 9

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:21/10/2017
    Tổng số bài viết (1400)
    Số điểm: 11717
    Cảm ơn: 9
    Được cảm ơn 208 lần


    Ưu tiên chia tài sản chung bằng hiện vật cho người cao tuổi đã tạo lập nên tài sản đó?

    Chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất cho người cao tuổi đã tạo lập, quản lý và sử dụng nhà đất ổn định, lâu dài, có nguyện vọng nhận nhà đất?

    Tìm hiểu nội dung của Án lệ số 67/2023/AL về người được nhận hiện vật khi chia tài sản chung (được ban hành kèm theo Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023 công bố án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành).

    Tóm tắt nội dung vụ việc:

    Vợ chồng cụ Phạm Ngọc T (chết năm 2014), cụ Nguyễn Thị Đ sinh được 05 người con chung là bà Phạm Thị Lan A, bà Phạm Thị Hải Y, bà Phạm Thị T1, bà Phạm Thị T2, ông Phạm Ngọc T3 (chết năm 2005). Ông T3 có con trai là anh Phạm Ngọc H.

    Cụ Đ và cụ T tạo lập được thửa đất số 57-2, tờ bản đồ số 34, diện tích 62,68m2 sử dụng riêng và 21,3m2 sử dụng chung, tọa lạc tại tổ 1, xóm B, thị trấn V, huyện X, thành phố Hà Nội, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 mang tên cụ Phạm Ngọc T, cụ Nguyễn Thị Đ; trên đất có ngôi nhà hai tầng.

    Ngày 12/3/2012, tại Văn phòng công chứng HM, cụ T và cụ Đ lập di chúc chung với nội dung cho cháu trai là anh Phạm Ngọc H (con của ông Phạm Ngọc T3) có toàn quyền sử dụng, sang tên khối tài sản là nhà đất nêu trên của hai cụ.

    Sau khi cụ T chết, ngày 26/10/2019, tại Văn phòng công chứng QT, cụ Đ và anh H lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với nội dung anh Phạm Ngọc H được hưởng toàn bộ phần di sản thừa kế của cụ T để lại; cụ Đ và anh H là đồng sở hữu, sử dụng diện tích nhà đất. Ngày 14/11/2019, cụ Đ và anh H được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích 84m2 đất (trong đó có 62,7m2 sử dụng riêng và 21,3m2 ngõ đi chung), thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33, mang tên cụ Đ, anh H.

    Cụ Đ khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung giữa cụ Đ với anh H; đề nghị được sử dụng nhà đất và thanh toán giá trị tài sản cho anh H số tiền là 1.400.000.000 đồng. Nếu anh H không đồng ý thì đề nghị Tòa án giải quyết theo giá của Hội đồng định giá đã xác định là 40.000.000 đồng/m2 đất.

    Bị đơn anh Phạm Ngọc H trình bày: Cụ Đ và gia đình anh hiện đang cùng sinh sống tại nhà đất này. Anh xác định, thửa đất không thể chia đôi theo hiện vật, anh có nguyện vọng được nhận nhà đất và thanh toán cho cụ Đ số tiền 1.500.000.000 đồng. Nếu cụ Đ muốn nhận nhà đất thì phải thanh toán cho anh với giá 75.000.000 đồng/m2 tương đương 2.325.000.000 đồng.

    Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Phạm Thị Lan A, bà Phạm Thị Hải Y, bà Phạm Thị T1, bà Phạm Thị T2 thống nhất trình bày: Các bà không còn liên quan gì đến tài sản tranh chấp, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, đảm bảo cho cụ Đ có chỗ ở, có nơi thờ cúng cụ T.

    Nhận định của Tòa án:

    [1] Nhà đất thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33, tại tổ 1, khu xóm B, thị trấn V, huyện X, thành phố Hà Nội có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Phạm Ngọc T, cụ Nguyễn Thị Đ, được Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 diện tích 62,68m2 sử dụng riêng và 21,3m2 sử dụng chung mang tên cụ T, cụ Đ.

    [2] Ngày 12/3/2012, tại Văn phòng công chứng HM, cụ T và cụ Đ lập di chúc chung có nội dung cho cháu trai là anh Phạm Ngọc H (là cháu nội của hai cụ) có toàn quyền sử dụng, sang tên khối tài sản nhà đất nêu trên của hai cụ. Sau khi cụ T chết, ngày 26/10/2019, tại Văn phòng công chứng QT, cụ Đ và anh H lập Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có nội dung anh H được hưởng toàn bộ phần di sản thừa kế của cụ T để lại; cụ Đ và anh H là đồng sở hữu, sử dụng diện tích nhà đất này và được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất diện tích 84m2, trong đó có 62,7m2 sử dụng riêng (đo thực tế là 66,6m2) và 21,3m2 ngõ đi chung (đo thực tế là 22,2m2), thửa số 57-2, tờ bản đồ số 33 mang tên cụ Đ, anh H.

    [3] Theo Biên bản xem xét và thẩm định tại chỗ ngày 14/5/2020, thửa đất số 57-2 phần diện tích đất sử dụng riêng có kích thước chiều rộng phía giáp ngõ đi chung là 3,56m; chiều rộng phía sau là 3,67m; trên đất có ngôi nhà 2,5 tầng và nhà cấp 4. Theo Văn bản số 1101/UBND-TTPTQĐ ngày 03/6/2020, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì xác định, thửa số 57-2 bị thu hồi diện tích là 11,2m2, diện tích sử dụng còn lại là 55,0m2.

    [4] Trong quá trình giải quyết vụ án, cụ Đ và anh H đều có nguyện vọng được nhận nhà đất và thanh toán giá trị cho nhau. Tuy nhiên, diện tích nhà đất có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Đ, cụ T tạo lập và hai cụ sinh sống trên đất từ năm 1980; sau khi cụ T chết, cụ Đ vẫn quản lý, sử dụng, thờ cúng cụ T; năm 2016, anh H mới chuyển đến sinh sống cùng cụ Đ và không tạo lập được tài sản nào trên đất. Cụ Đ cho rằng, thực tế cụ và anh H không thể tiếp tục sống chung nhà nên có nguyện vọng được nhận nhà và thanh toán tiền cho anh H; các con của cụ Đ, cụ T là bà Phạm Thị Lan A, bà Phạm Thị Hải Y, bà Phạm Thị T1, bà Phạm Thị T2 đề nghị giao nhà đất cho cụ Đ để cụ có chỗ ở, có nơi thờ cúng cụ T cho đến khi cụ qua đời. Xét thấy cụ Đ đã cao tuổi, sức yếu, có hạn chế trong việc thay đổi, tạo lập chỗ ở khác nên việc giao nhà đất cho cụ Đ sở hữu, sử dụng và cụ Đ thanh toán cho anh H số tiền 1.390.198.415 đồng như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp với nguồn gốc và quá trình hình thành khối tài sản chung. Anh Phạm Ngọc H được hưởng giá trị 1/2 tài sản chung nói trên đủ để tạo lập chỗ ở mới.

    Nội dung của Án lệ:

    “[4] Trong quá trình giải quyết vụ án, cụ Đ và anh H đều có nguyện vọng được nhận nhà đất và thanh toán giá trị cho nhau. Tuy nhiên, diện tích nhà đất có nguồn gốc là của vợ chồng cụ Đ, cụ T tạo lập và hai cụ sinh sống trên đất từ năm 1980; sau khi cụ T chết, cụ Đ vẫn quản lý, sử dụng, thờ cúng cụ T; năm 2016, anh H mới chuyển đến sinh sống cùng cụ Đ và không tạo lập được tài sản nào trên đất. Cụ Đ cho rằng, thực tế cụ và anh H không thể tiếp tục sống chung nhà nên có nguyện vọng được nhận nhà và thanh toán tiền cho anh H; các con của cụ Đ, cụ T là bà Phạm Thị Lan A, bà Phạm Thị Hải Y, bà Phạm Thị T1, bà Phạm Thị T2 đề nghị giao nhà đất cho cụ Đ để cụ có chỗ ở, có nơi thờ cúng cụ T cho đến khi cụ qua đời. Xét thấy cụ Đ đã cao tuổi, sức yếu, có hạn chế trong việc thay đổi, tạo lập chỗ ở khác nên việc giao nhà đất cho cụ Đ sở hữu, sử dụng và cụ Đ thanh toán cho anh H số tiền 1.390.198.415 đồng như quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp với nguồn gốc và quá trình hình thành khối tài sản chung. Anh Phạm Ngọc H được hưởng giá trị 1/2 tài sản chung nói trên đủ để tạo lập chỗ ở mới”.

    Như vậy, trong vụ án chia tài sản chung là quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất mà có một bên là người cao tuổi đã tạo lập, quản lý và sử dụng nhà đất ổn định, lâu dài, có nguyện vọng nhận nhà đất và thanh toán giá trị cho người còn lại thì trường hợp này, Tòa án phải quyết định giao nhà đất cho người cao tuổi và người cao tuổi phải thanh toán giá trị cho người còn lại.

     

     
    128 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận