Bài viết này do thầy mình - TS NGUYỄN VĂN TIẾN (Trường ĐH Luật TP.HCM) viết, thấy khá hay nên chia sẻ cho các bạn.
>>> Bộ luật tố tụng dân sự 2015: Toàn bộ điểm mới
Một điểm mới nổi bật của BLTTDS 2015 là quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.
|
Theo BLTTDS 2015, gặp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng, thay vì từ chối thụ lý như trước, các tòa án sẽ phải áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết yêu cầu của người dân.
Sẽ khả thi
Đã có những ý kiến lo ngại rằng nếu áp dụng quy định trên sẽ dẫn đến hệ quả là do không có điều luật nên tòa không có căn cứ để xét xử. Trong khi đó, án lệ chưa phải là một nguồn luật chính thức ở nước ta. Việc áp dụng nguyên tắc tương tự và theo lẽ công bằng dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện. Nếu tòa dựa vào phong tục, tập quán để quyết định thì cùng một vụ việc, các tòa khác nhau có cách giải quyết, có kết quả xét xử rất khác nhau, làm cho hệ thống pháp luật bị chia cắt, thiếu thống nhất...
Tuy nhiên theo tôi, chúng ta đã tiếp cận, nghiên cứu, học hỏi về án lệ khá nhiều và bước đầu đã có kinh nghiệm trong việc xây dựng án lệ. TAND Tối cao đã có thời gian dài nghiên cứu về án lệ và cơ quan này hiện đã xây dựng nghị quyết về án lệ. Do đó việc ngần ngại áp dụng án lệ là không thuyết phục.
Mặt khác, tập quán trong lĩnh vực dân sự và hôn nhân, gia đình cũng đã được quy định trong luật và đang được tập hợp, thông qua để áp dụng. Về áp dụng tương tự pháp luật, luật pháp nước ta đã quy định từ lâu và thực tiễn là các tòa vẫn áp dụng để giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình… Như vậy quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng là hoàn toàn có cơ sở và có tính khả thi.
Ðề cao quyền con người, quyền công dân
Có thể nói quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng đã thể hiện rõ việc Đảng, Nhà nước ta ngày càng đề cao quyền con người, tăng cường quyền công dân trong pháp luật. Đây là xu thế tất yếu của thời đại, hội nhập quốc tế về công tác tư pháp, xu thế phát triển của xã hội trong tương lai. Việc tăng cường quyền công dân theo hướng mở rộng nội dung quyền khởi kiện, quyền yêu cầu của người dân đối với tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình là chủ trương đúng đắn, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn xã hội.
Chúng ta không thể duy trì tình trạng bất hợp lý là công dân bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp nhưng không được bảo vệ. Người dân phải có quyền được tiếp cận công lý, quyền được bảo vệ bằng pháp luật. Với tư cách là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tòa án có trách nhiệm giải quyết tất cả tranh chấp, yêu cầu phát sinh trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Nếu tòa không thực hiện nhiệm vụ này có thể sẽ dẫn đến tình trạng người dân vì bức xúc mà tự xử bằng “luật rừng” với nhau, gây bất ổn về an ninh, trật tự xã hội.
Một số tranh chấp tòa từng từ chối thụ lý
- Trước năm 2007, khi có tranh chấp xảy ra trong quá trình chơi hụi, họ, biêu, phường (gọi chung là họ), người dân khởi kiện thì các tòa đều từ chối thụ lý với lý do pháp luật chưa có quy định, cơ quan có thẩm quyền chưa có hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết của tòa án với tranh chấp dạng này.
Đến năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144 quy định về hình thức họ; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của những người tham gia họ; chính sách của Nhà nước... Tháng 4-2007, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 40 hướng dẫn thụ lý, giải quyết tranh chấp về họ. Kể từ đó yêu cầu khởi kiện của người dân trong tranh chấp về họ mới được các tòa địa phương thụ lý, giải quyết.
- Những năm qua các tòa địa phương đã gặp không ít trường hợp người dân khởi kiện yêu cầu giải quyết về quyền di dời, quản lý, trông nom… mồ mả, hài cốt. Tuy nhiên, các tòa đều từ chối thụ lý với lý do chưa có quy định, hướng dẫn là tòa án hay UBND giải quyết dạng tranh chấp này.
Với các tranh chấp đất đai có liên quan đến mồ mả, TAND Tối cao cũng chỉ có công văn hướng dẫn trong ngành là chỉ giải quyết tranh chấp về quyền sử dụng đất, không giải quyết phần mồ mả.
Tạo thuận lợi cho đương sự
Nghị quyết 49 ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã yêu cầu mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự, người yêu cầu tham gia tố tụng, bảo đảm nhiệm vụ của tòa án là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.