Căn cứ theo Điều 11 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 quy định như sau:
“Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:
a) Cơ sở y tế;
b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:
a) Nơi làm việc;
b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;
c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.
3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.”
Như vậy, hút thuốc là ở nơi công cộng là một việc làm trái pháp luật.
Căn cứ tiếp theo Điều 31 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012 thì:
“Điều 31. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống tác hại của thuốc lá được thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.”
Tóm lại, việc hút thuốc là ở nơi công cộng là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định về vi phạm hành chính. Tuy nhiên hành vi hút thuốc ở nơi công cộng đặc biệt là ở các bệnh viện, trường học, công viên,… vẫn diễn ra rất thường xuyên. Thiết nghĩ pháp luật nên có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn đối với những người có hành vi hút thuốc ở nơi công cộng, ví dụ như buộc họ đi lao động công ích chẳng hạn.