Theo quy định tại Điều 145 Luật Doanh nghiệp 2020 có nêu:
"Điều 145. Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông
1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
2. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thông báo mời họp lần thứ hai phải được gửi trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.
3. Trường hợp cuộc họp lần thứ hai không đủ điều kiện tiến hành theo quy định tại khoản 2 Điều này thì thông báo mời họp lần thứ ba phải được gửi trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần thứ ba được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
4. Chỉ có Đại hội đồng cổ đông mới có quyền quyết định thay đổi chương trình họp đã được gửi kèm theo thông báo mời họp theo quy định tại Điều 142 của Luật này."
Căn cứ theo quy định nêu trên, điều kiện để tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông là khi có số cổ đông dự họp đại diện trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tham gia, cụ thể theo Điều lệ công ty. Nếu lần triệu tập đầu tiên không đáp ứng tỉ lệ nêu trên thì sẽ áp dụng theo Khoản 2 và Khoản 3. Cụ thể tại lần hai sẽ yêu cầu có số cổ đông dự họp đại diện từ 33% tổng số phiếu biểu quyết trở lên, tùy theo điều lệ, lần thứ ba thì không phụ thuộc tổng số phiếu biểu quyết.
Điều kiện thông qua Nghị quyết sửa đổi điều lệ công ty
Liên quan vấn đề này, tại Khoản 1 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 7 Luật số 03/2022/QH15 có nêu:
Điều 7. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp
...
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 ... Điều 148 như sau:
“1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:
a) Loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại;
b) Thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh;
c) Thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý công ty;
d) Dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định tỷ lệ hoặc giá trị khác;
đ) Tổ chức lại, giải thể công ty;
e) Vấn đề khác do Điều lệ công ty quy định."
Theo đó, nếu Điều lệ công ty không quy định trường hợp phân phối các quỹ và chia cổ tức thì Nghị quyết về việc sửa đổi Điều lệ liên quan đến phân phối các quỹ và chia cổ tức không thuộc trường hợp phải áp dụng tỉ lệ tối thiểu 65% mà áp dụng các Khoản còn lại của Điều 148 (Khoản 2).
Trường hợp nếu Điều lệ công ty có quy định về trường hợp sửa đổi Điều lệ của anh chị, mà việc biểu quyết thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản thì nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông có quyền biểu quyết tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định (Theo Khoản 4 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020).
Còn Khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020 áp dụng đối với trường hợp việc điều chỉnh làm ảnh hưởng đến cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi mà không điều chỉnh cho cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông. Nếu công ty chỉ có cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông thì không cần quan tâm Khoản này. Nếu công ty có cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi, việc chỉnh làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của họ thì phải áp dụng theo tỉ lệ tại Khoản 6 Điều này.